Môi trường

Thanh Hóa khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai

Thanh Hóa

Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lí môi trường đến đó”, chính quyền và người dân đang tập trung vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống.

Do ảnh hưởng thiên tai, hàng trăm nhà dân ở các khu vực trũng thấp tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa bị ngập lụt. Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lí môi trường đến đó”, chính quyền và người dân đang tập trung vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, sớm ổn định đời sống.

Ở thành phố Thanh Hóa, mưa lớn, nước lũ đã ây ngập lụt tại các phường Hoằng Quang, Thiệu Khánh, Thiệu Dương…. Được coi là “rốn lũ”, đợt mưa vừa qua, phường Thiệu Dương có 7 phố ngoại đê bị ngập lụt với khoảng 584 nhân khẩu. Trong ngày 24-25/9 tranh thủ mực nước trên các sông đang rút, chính quyền và nhân dân nơi đây phối hợp với lực lượng chức năng dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, sắp xếp lại đồ đạc…

Lực lượng chức năng thành phố Thanh Hóa dọn dẹp môi trường sau lũ. 
Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Là một trong những hộ gia đình bị ngập sâu, anh Dương Ngọc Ba (phố 4, phường Thiệu Dương) cho biết, từ tối 22/9, mực nước sông Mã lên nhanh, toàn bộ 7 thôn ngoại đê của phường ngập cục bộ. Mực nước đo được trong nhà anh lên cao hơn 1m, do có kinh nghiệm chạy lũ nhiều năm, gia đình đã chủ động đưa đồ đạc có giá trị lên khu vực cao từ trước nên không bị thiệt hại nhiều. Sáng 25/9, được sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, gia đình đã dọn dẹp xong bùn đất trong nhà, chuẩn bị kê lại đồ đạc để ổn định cuộc sống.

Tất bận lau dọn đồ đạc, ông Nguyễn Văn Tú (tổ dân phố 5, phường Thiệu Khánh) chia sẻ, sau khi nước rút, người dân lo ngại nhất là ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh phát sinh, mong thành phố quan tâm cấp nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân khử khuẩn để đảm bảo không bùng phát dịch bệnh.

Theo báo cáo, thành phố Thanh Hóa có 12 phường, xã bị ảnh hưởng lớn do mưa lũ, với 31 phố, thôn bị ngập (gồm 14 phố, thôn bị ngập toàn bộ hoặc phần lớn khu dân cư; 17 phố, thôn ngập một phần khu dân cư); 2.339 hộ với 8.084 nhân khẩu sinh sống vùng ngoại đê bị ảnh hưởng do mưa lũ. Do bị ngập nước nên nguy cơ ô nhiễm môi trường và bùng phát 1 số bệnh truyền nhiễm như bệnh ngoài da, tiêu chảy, sốt xuất huyết... là rất cao. Trung tâm Y tế thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các vật tư y tế, thuốc men, hóa chất, đặc biệt là Cloramin B cho các trạm y tế để khử khuẩn nguồn nước, đảm bảo người dân có đủ nước sạch sinh hoạt, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ, ngập lụt.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, xác định sau mưa lũ sẽ xuất hiện nhiều bệnh liên quan đến tiêu hóa, ngoài da, bệnh truyền nhiễm nên Trung tâm đã tập trung kiểm tra nguy cơ dịch tễ, hướng dẫn xử lí nguồn nước, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch bệnh. Trung tâm đã thiết lập 1 đơn vị cấp cứu và phòng chống dịch tại Trạm Y tế phường Thiệu Dương; hỗ trợ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện cho các trạm y tế bị ngập lụt và vùng ngập lụt. Đồng thời huy động 150 cán bộ về 12 phường, xã bị ngập để tổng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng. Hiện nước đã rút, nhưng Trung tâm vẫn tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình dịch ở các vùng ngập lụt này để có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tranh thủ nước rút, bà con vùng ngập lụt xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc đã nhanh chóng tổng vệ sinh nhà cửa, bàn ghế, đường làng. Trước đó, do mưa lớn cộng với nước sông Mã lên nhanh đã gây ngập lụt cục bộ trên 170 hộ dân ở xã Vĩnh Yên. Nước và bùn đất tràn vào nhà khiến nhiều hộ phải di dời để đảm bảo an toàn.

Ông Trịnh Hồng Trầm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc cho biết, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo nhân dân tổng dọn vệ sinh, chuẩn bị máy móc để khơi thông cống rãnh, đảm bảo thoát nước nhanh nhất. Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với các xã phun tiêu độc khử trùng nhà cửa, nguồn nước để sớm ổn định đời sống của người dân./.

Nguyễn Nam

Xem thêm