Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh tay chân miệng gia tăng, nguy cơ thiếu thuốc điều trị
Trước sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus, thời gian tới dự báo gia tăng số ca bệnh nặng trẻ mắc tay chân miệng tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
TTXVN - Từ giữa tháng 5 đến nay, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng bắt đầu gia tăng trường hợp trẻ mắc tay chân miệng. Mặc dù là dịch bệnh “đến hẹn lại lên” nhưng với sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus, số ca bệnh nặng dự báo gia tăng thời gian tới. Đáng chú ý, khan hiếm thuốc đang là vấn đề gây khó khăn trong công tác điều trị tay chân miệng.
*Tay chân miệng vào mùa, nhiều ca nặng
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 1.670 ca mắc tay chân miệng ở trẻ em. Đáng chú ý, từ giữa tháng 5 đến nay, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Riêng trong tuần 21 (từ ngày 22 - 28/5), trên toàn Thành phố ghi nhận 157 ca mắc tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước đó.
Thực tế, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nếu trước đây, mỗi ngày chỉ tiếp nhận khoảng 5-10 ca trẻ mắc tay chân miệng, hai tuần trở lại đây đã tăng lên từ 10-20 ca/ngày. Số ca bệnh tăng lên cả ở khám ngoại trú và nhập viện điều trị nội trú.
Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị cho 5 trẻ mắc tay chân miệng nặng, trong đó có 3 trường hợp đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ và 2 trẻ có địa chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 5 trẻ mắc tay chân miệng có 3 trẻ đang phải thở máy, tiên lượng nguy kịch. Tương tự, số ca mắc tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có dấu hiệu gia tăng. Trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 20-30 bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám và nhập viện.
Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 5 tháng đầu năm 2023 tiếp nhận gần 1.400 lượt trẻ đến khám bệnh tay chân miệng, trong đó, có 158 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú. Đặc biệt, số trẻ nhập viện bắt đầu gia tăng từ giữa tháng 5.
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 22 bệnh nhi nội trú, trong đó có 2 ca mắc nặng độ 2B, có khả năng chuyển lên độ 3. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm nhưng đỉnh dịch thường rơi vào tháng 4 đến tháng 6 và tháng 8 đến tháng 12. Mặc dù năm nay, dịch xảy ra muộn hơn và số ca mắc không nhiều hơn năm trước nhưng đã liên tiếp xuất hiện ca bệnh nặng. Khoa Nhiễm - Thần kinh tiếp nhận 5 bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng, trong đó, có 2 trường hợp có địa chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, 3 trường hợp từ các tỉnh khu vực phía Nam chuyển đến.
Đáng chú ý có một bé trai 5 tuổi tử vong do tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Trước đó, bệnh nhi này đã phát bệnh 4 ngày với triệu chứng lở môi, ăn uống kém, nôn ói. Đến tối ngày bệnh thứ tư, bé sốt cao kèm run toàn thân, vã mồ hôi, được gia đình đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 3 và đặt nội khí quản, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc an thần chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1. Dù các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã xử trí tích cực như chống sốc, hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn, lọc máu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng do bệnh nặng, bệnh nhi tử vong sau đó.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến năm nay các ca tay chân miệng nặng là do sự xuất hiện trở lại của virus Enterovirus 71 (EV71) - chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong. Dự báo, thời gian tới, số ca bệnh tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng.
*Lo ngại thiếu thuốc điều trị
Cùng với sự xuất hiện trở lại của virus EV71 khiến tốc độ lây lan bệnh nhanh và số ca mắc nặng tăng, các bác sĩ còn lo ngại tình trạng thiếu thuốc điều trị tay chân miệng. Theo các bác sĩ, hai loại thuốc được dùng để điều trị tay chân miệng mức độ nặng ở trẻ em là Phenobarbital truyền tĩnh mạch và Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, hiện hầu hết các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh không còn thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, chỉ còn Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch tại đơn vị này đã hết từ năm 2020, chỉ còn thuốc Gamma Globulin và thuốc IVIG. Trong bối cảnh đó, các bác sĩ phải sử dụng thuốc Phenobarbital dạng uống thay thế dạng truyền tĩnh mạch nhưng hiệu quả điều trị không cao.
Cũng dùng thuốc Phenobarbital dạng uống nhưng theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, số thuốc này tại đây còn rất ít. Bên cạnh đó, hiện đơn vị này có khoảng 200 lọ thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch để điều trị cho trẻ tay chân miệng.
“Mỗi bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ nặng sẽ dùng khoảng 4-8 lọ thuốc Gamma Globulin, với số thuốc hiện có chúng tôi chỉ có thể sử dụng cho khoảng 25-50 trường hợp tay chân miệng nặng, do đó, nếu trường hợp ca bệnh nặng tăng thì cần được cung ứng thêm để dự trữ”, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho hay.
Trước nguy cơ thiếu thuốc điều trị, trong bối cảnh tình hình bệnh tay chân miệng có thể diễn tiến phức tạp, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược đề nghị hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị, trong đó có 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 lưu ý phụ huynh, miễn dịch đối với bệnh tay chân miệng ở trẻ em không bền vững. Điều này có nghĩa, nếu trẻ đã từng mắc bệnh, tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh trở lại. Trẻ mắc tay chân miệng có thể khỏi bệnh trong vòng vài tuần nhưng vẫn có tỷ lệ biến chứng. Những tổn thương nghiêm trọng ở não bộ như viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não hay các biến chứng khác về tim mạch và hô hấp có thể gặp ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Đây là các biến chứng rất nguy hiểm, có thể tử vong nhanh nếu không được xử lý kịp thời.
Vì vậy, bác sĩ Trần Ngọc Lưu khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa con trẻ đến khám tại cơ sở y tế khi phát hiện dấu hiệu của bệnh và biểu hiện nghi ngờ biến chứng. Trẻ sốt cao liên tục khó hạ, giật mình, run chi, đi loạng choạng, ói nhiều, thở mệt, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông… là triệu chứng điển hình của tay chân miệng.
Do chưa có vaccine phòng bệnh nên phụ huynh cần hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc với người bệnh; nếu trẻ mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp. Phụ huynh luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ; thường xuyên rửa tay, nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ…/.