Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án công trình trường học
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2023 - 2024 tổng cộng 48 dự án trường học với 672 phòng học mới.
TTXVN - Chiều 13/7, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nội dung liên quan đến công tác xây dựng, cải tạo trường học trên địa bàn Thành phố được đại diện cơ quan chức năng thông tin.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm học 2023-2024, dự kiến, toàn Thành phố tăng 35.055 học sinh, gồm 22.592 học sinh khối công lập và 12.463 học sinh khối ngoài công lập. Nhìn chung, số học sinh trong năm học 2023 - 2024 tăng nhiều ở cấp học Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, tập trung tại thành phố Thủ Đức và một số quận, huyện như: Quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao. Trước tình hình đó, việc sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới các công trình trường học trên địa bàn là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của lượng học sinh tăng thêm.
Theo ông Hồ Tấn Minh, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2023 - 2024 tổng cộng 48 dự án trường học với 672 phòng học mới; trong đó, số phòng học tăng thêm là 371 phòng với tổng mức đầu tư trên 1.503 tỷ đồng. Trước mắt, Thành phố dự kiến đến ngày 5/9/2023 sẽ đưa vào sử dụng 27 dự án với 441 phòng học mới; 21 dự án còn lại sẽ lần lượt được đưa vào sử dụng từ sau ngày 5/9 đến hết tháng 12/2023. Qua đó, năm học 2023 - 2024, Thành phố vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, đảm bảo tổ chức hoạt động tại các cơ sở giáo dục thực hiện đúng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án công trình trường học, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã trình đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án công trình trường học, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục.
Sở đề xuất Thành phố có cơ chế giải pháp đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính... để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa. Các khu đô thị mới phải có quỹ đất để giao cho Ủy ban nhân dân quận, huyện làm nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng trường học. Thành phố có các giải pháp hỗ trợ các Ủy ban nhân dân quận, huyện tháo gỡ cho các dự án chậm triển khai, quỹ đất còn vướng do nhiều nguyên nhân./.