Xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh - Đột phá về giảm nghèo bền vững

TP. Hồ Chí Minh

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh, khẩu hiệu xuyên suốt trong hành trình giảm nghèo của Thành phố là “giảm nghèo thực chất, thoát nghèo bền vững”.

Tổ phúc tra thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 tại các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Trước bối cảnh mới, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều, đây được xem là cách tiếp cận mới phù hợp với xu thế của thế giới. Không chỉ giới hạn trong chuyện “cái ăn, cái mặc” mà các chính sách cũng tập trung giúp người dân thoát khỏi những khó khăn khác như y tế, giáo dục, môi trường… Mục tiêu mà phương pháp này hướng tới là hỗ trợ người nghèo được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về điều kiện sống và các dịch vụ xã hội cơ bản.

*Để người dân thoát nghèo toàn diện

Lãnh đạo Ban giảm nghèo bền vững Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh trao quà cho các hộ cận nghèo giai đoạn 2020-2025.
Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Từ năm 2009, có một sự thay đổi lớn trong chính sách giảm nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Thành phố bắt đầu tiếp cận với giảm nghèo đa chiều - một khái niệm mới đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, ngoài các tiêu chí về thu nhập, Thành phố sẽ tập trung cải thiện các tiêu chí, điều kiện khác có tác động lên đời sống của người dân như: giáo dục, y tế, nhà ở, môi trường sống, văn hóa…

Kể từ khi tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều, không những thu nhập người dân được cải thiện mà chất lượng sống cũng được nâng cao. Cứ sáng sớm, chị Phạm Thị Thu Hạnh (ngụ Phường 3, Quận 5) đẩy chiếc xe bánh mì ra góc đường Lê Hồng Phong bán; đến trưa và chiều tối, chị bán thêm nước mía, các loại nước giải khát khác. Nhờ chăm chỉ nên càng ngày cuộc sống của gia đình chị đỡ chật vật hơn so với trước. Trước đây, gia đình chị Hạnh là một trong những hộ khó khăn nhất của phường, mưu sinh bằng việc bán bánh mì dạo, trong khi các con đang tuổi ăn tuổi học. Để tiếp sức gia đình chị, địa phương luôn có các chế độ hỗ trợ như học bổng học sinh, thẻ bảo hiểm y tế, quà tặng dịp Lễ, Tết… Năm 2021, chị Hạnh được giới thiệu tiếp cận nguồn vốn giảm nghèo và trao tặng một chiếc xe bánh mì. Song song đó, địa phương còn giới thiệu chị tham gia lớp tập huấn kiến thức về mô hình buôn bán nhỏ mang lại hiệu quả cao. Nhờ vậy, chị Hạnh mạnh dạn đầu tư thêm, bán nhiều loại nước giải khát, thu nhập của cả gia đình bắt đầu tăng lên, cuộc sống dần đi vào ổn định, các con của chị cũng vào được đại học.

Năm 2016, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bình Chánh triển chương trình “Sinh kế trao tay - Tương lai bền vững”, giúp hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện có phương tiện để sản xuất, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo và có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Như trường hợp của gia đình chị Phạm Thị Lan (xã Tân Xuân, huyện Bình Chánh) trước đây vốn khó khăn khi không có đất canh tác, không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống thiếu trước hụt sau, con đường đến trường của các con chị cũng có nguy cơ gián đoạn. Năm 2018, thông qua vận động tài trợ từ các doanh nghiệp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã trao tặng gia đình chị một chiếc máy may. “Khi có máy may, tôi đã nhận may gia công cho các cơ sở trên địa bàn, nhận sửa chữa quần áo cho bà con xung quanh. Nhờ vậy, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, chồng tôi cũng được giới thiệu vào làm việc tại một công ty nhỏ nên hiện đã có chút đỉnh tích lũy”, chị Lan chia sẻ. Đầu năm 2025, chị Lan càng phấn khởi hơn khi gia đình đã sửa lại được căn nhà khang trang thay cho căn nhà vách tôn lụp xụp trước đây, các con của chị cũng được học hành đầy đủ.

Tại huyện Bình Chánh, nhiều hộ gia đình cũng được hỗ trợ thoát nghèo, nâng cao đời sống tương tự gia đình chị Lan. Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bình Chánh, việc trao tặng sinh kế được thực hiện bài bản, từ khâu xây dựng kế hoạch đến khảo sát, lựa chọn đảm bảo đúng đối tượng và được giám sát trong quá trình sử dụng. Kết quả, tỷ lệ hộ dân sử dụng hiệu quả đạt 83,87%. Bên cạnh đó, những năm qua, các cơ quan, đơn vị của huyện Bình Chánh còn tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai nhiều phong trào như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Người khá giúp người khó”… tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ tạo lập nguồn vốn của chính gia đình để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh, khẩu hiệu xuyên suốt trong hành trình giảm nghèo của Thành phố là “giảm nghèo thực chất, thoát nghèo bền vững”. Thống kê cho thấy, đầu giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 58.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm 2,29% trên tổng số hộ dân. Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, Thành phố đã triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, góp phần hỗ trợ cải thiện, nâng cao thu nhập. Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ; chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm (trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); chính sách hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người; chính sách hỗ trợ về giáo dục; chính sách hỗ trợ nhà ở…

*Thay đổi tư duy, nhận thức của hộ nghèo

Cuối năm 2024, gia đình ông Huỳnh Văn Beo (Phường 19, quận Bình Thạnh) tình nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Trước đây, gia đình 6 người của ông Beo thuộc diện hộ nghèo của phường nhưng nhờ được vay vốn ưu đãi, tặng xe máy để làm kế sinh nhai, kinh tế của gia đình ông đã dần khởi sắc. “Mấy năm nay thu nhập của gia đình ổn định hơn, nhà cửa cũng đã sửa sang lại sạch đẹp nên mình xin rút tên khỏi hộ nghèo, nhường các chính sách hỗ trợ đó cho các gia đình khác khó khăn hơn”, ông Beo bày tỏ. Đây là một trong 122 hộ gia đình tại quận Bình Thạnh tự nguyện rút tên khỏi Chương trình giảm nghèo bền vững vào cuối năm 2024. Cũng thời điểm này, quận Bình Thạnh được công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố giai đoạn 2021-2025, về đích sớm 1 năm so với kế hoạch.

Lãnh đạo Ban giảm nghèo bền vững Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh trao quà cho các hộ cận nghèo giai đoạn 2020-2025.
Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Để có được kết quả này, quận Bình Thạnh đã thực hiện nhiều chương trình chăm lo an sinh xã hội đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Tặng thẻ bảo hiểm y tế, giới thiệu việc làm, tư vấn đào tạo nghề, miễn, giảm học phí cho học sinh khó khăn; hỗ trợ xây, sửa nhà tình thương; hỗ trợ vay vốn Quỹ xóa đói giảm nghèo; chăm lo các hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Tương tự quận Bình Thạnh, nhiều địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố giai đoạn 2021-2025. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đã giảm được69.914 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm 2,76% trên tổng số hộ dân của thành phố; trong đó, giảm 37.979 hộ nghèo và giảm 31.935 hộ cận nghèo… Đến nay Thành phố đã có 13 quận, huyện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố, 9 quận, huyện còn lại dự kiến hoàn thành trong quý I năm 2025.

Đặc biệt, một trong những điểm sáng của Chương trình giảm nghèo bền vững là các hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội. Nhiều hộ dân đã sắp xếp tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm, quan tâm học hỏi cách làm ăn để tận dụng các cơ hội trợ giúp của Chương trình hiệu quả hơn. Cùng với sự quyết tâm vượt khó, vươn lên thoát nghèo của phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của Thành phố.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn tới, Thành phố sẽ tiếp tục các giải pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng thu nhập và tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục và đào tạo, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2030 nâng mức chuẩn hộ nghèo về thu nhập của Thành phố cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, cách làm thiết thực, hỗ trợ cao về sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi, cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể an tâm, tự tin tổ chức làm ăn sinh sống, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, tiến đến vươn lên thành hộ khá, giàu góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “Thành phố có chất lượng sống tốt - văn minh - hiện đại - nghĩa tình"./.  


Đinh Hằng - Thanh Vũ

Xem thêm