Thành phố Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư cho hơn 90 dự án về giáo dục và đào tạo
Các dự án này sẽ được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố cho vay theo chính sách vay hỗ trợ lãi suất...
Ngày 6/12, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cùng Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) tổ chức Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố.
Theo đó, Thành phố có 90 dự án xây dựng trường học và quỹ đất giáo dục mời gọi đầu tư. Cụ thể, trong Danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025 của UBND Thành phố, lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 23 dự án. Cùng đó, Thành phố cũng mời gọi đầu tư xây dựng trường học ở 69 quỹ đất giáo dục trước đó đã được Thành phố chấp thuận giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư nhưng đến nay chưa thực hiện. Quỹ đất này tập trung ở các Quận 7, 8, 12, Bình Thạnh, Bình Tân và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Các dự án này sẽ được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố cho vay theo chính sách vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 09/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố. Chương trình vay hỗ trợ lãi suất này có nhiều điểm mới, thuận lợi hơn so với chương trình cho vay kích cầu đầu tư trước đây. Cụ thể, theo chính sách vay hỗ trợ lãi suất, tổng mức tối đa có thể vay lên đến 200 tỷ đồng/dự án; cho vay cả xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị; không cần phải có vốn đối ứng; có thể vay cùng lúc nhiều dự án khác nhau; có thể kết hợp nhiều nguồn vốn trong cơ cấu tài chính của dự án; sử dụng tài sản hình thành sau vay để làm tài sản thế chấp tín dụng; thời gian vay linh hoạt…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc đảm bảo trường lớp theo chuẩn quy định luôn là bài toán khó khi áp lực tăng dân số cơ học cao. Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố chia sẻ, số học sinh tăng hằng năm dẫn đến quá tải ở nhiều trường lớp, nhất là bậc tiểu học, trung học cơ sở, ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, học tập. Kết quả thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học không đồng đều giữa các cấp học và quận, huyện.
Thời gian qua, cùng với việc ưu tiên vốn đầu tư công cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thành phố đã triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu chỗ học cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục dẫn đến nhu cầu vốn dành cho phát triển giáo dục và đào tạo tại Thành phố là rất lớn. Vì thế, cùng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách, việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương đầu tư xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo được Thành phố thực hiện với mục tiêu ngày càng hoàn thiện mạng lưới trường, lớp ở các ngành học, bậc học, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn./.
Thu Hoài