Thành phố Hồ Chí Minh: Tai nạn giao thông giảm sâu sau hơn một tháng triển khai Nghị định 168
Từ ngày 1-31/1, trên địa bàn Thành phố xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông (kể cả va chạm) khiến 35 người tử vong và 36 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024 giảm 92 vụ (giảm 56%), giảm 5 người chết (giảm 13%), giảm 83 người bị thương (giảm 70%).
Kể từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Nghị định 168) có hiệu lực, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giảm sâu cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2024. Đây là khẳng định của Thượng tá Lê Văn Hải, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố phối hợp tổ chức chiều 6/2.
Cụ thể, từ ngày 1/1 đến ngày 31/1, trên địa bàn Thành phố xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông (kể cả va chạm) khiến 35 người tử vong và 36 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024 giảm 92 vụ (giảm 56%), giảm 5 người chết (giảm 13%), giảm 83 người bị thương (giảm 70%).
Theo Thượng tá Lê Văn Hải, sau hơn một tháng triển khai Nghị định 168, người dân đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, cho thấy chính sách được lan tỏa rộng rãi. Lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh luôn ưu tiên hướng dẫn, tuyên truyền người dân tham gia giao thông, đồng thời kiên quyết xử phạt đối với những hành vi cố ý vi phạm; đã xử phạt 560 hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, 529 hành vi đi ngược chiều, 1.401 hành vi đi không đúng làn đường.
Thượng tá Lê Văn Hải cho hay, cơ bản người dân chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi vi phạm có mức phạt tăng gấp nhiều lần so với trước đây như không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều, đi trên hè phố… Vào khung giờ cao điểm tại các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn Thành phố, người dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông dừng chờ đèn tín hiệu nghiêm túc, dừng đúng vạch quy định; không diễn ra tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện lưu thông trên hè phố, không đúng phần đường, lưu thông ngược chiều.
Đặc biệt, tình trạng lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia dần được cải thiện; ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng được người dân phát huy tốt, người dân khu vực thành phố Thủ Đức đã bắt đầu sử dụng Metro số 1 thay cho phương tiện cá nhân để vào trung tâm Thành phố. Qua đó, sau Tết Nguyên đán, trật tự an toàn giao thông tại Thành phố ổn định, không phát sinh ùn tắc./.