Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống hỗ trợ phòng chống buôn bán trẻ em từ gia đình
Thành phố Hồ Chí Minh luôn ủng hộ các tổ chức trong nước, tổ chức phi chính phủ thực hiện các dự án thiện nguyện, an sinh xã hội.
Ngày 26/3, Trung tâm Nâng cao năng lực, hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em (CSWC) phối hợp Tổ chức Planete Enfants & Developpement (PE&D) tổ chức tổng kết Dự án “Đồng hành xây dựng hệ thống hỗ trợ phòng chống buôn bán trẻ em ở miền Trung và miền Nam, Việt Nam” giai đoạn 2022-2024.
Phó trưởng Ban Văn xã, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Nhựt đánh giá cao ý nghĩa, mục tiêu dự án hướng đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em; cùng địa phương xây dựng hệ thống hỗ trợ, tự vận hành, tự chăm lo cho trẻ, nhận diện, phòng chống buôn bán trẻ em. Thành phố luôn quan tâm, ủng hộ các tổ chức trong nước, tổ chức phi chính phủ thực hiện các dự án thiện nguyện, an sinh xã hội, nhất là chăm sóc, giáo dục, bảo vệ ,vì sự phát triển toàn diện của trẻ; dự án hướng đến hỗ trợ nhóm trẻ gia đình, người chăm sóc trẻ.
Nhiều năm qua, Thành phố luôn đặc biệt quan tâm, xây dựng nhiều chính sách, chương trình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho trẻ, trong đó có hỗ trợ phòng chống buôn bán trẻ em. Cụ thể, Nghị quyết 35/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và người có hoàn cảnh khó khăn thông qua hỗ trợ hằng tháng tại cộng đồng với mức hỗ trợ 1-2,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội của Thành phố, hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế, hỗ trợ về giáo dục...
Ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ về thực trạng, quy trình, các bước phối hợp và khó khăn, thuận lợi trong phối hợp giữa 6 cơ quan, sở, ngành Thành phố trong việc chăm lo cho nhóm trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt để cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú, căn cước công dân.
Theo bà Julia Levivier, Trưởng đại diện Tổ chức PE&D tại Việt Nam, Dự án “Đồng hành xây dựng hệ thống hỗ trợ phòng chống buôn bán trẻ em ở miền Trung và miền Nam, Việt Nam” được thực hiện theo phương pháp đồng hành phát triển gia đình để giúp các gia đình tiếp cận và vận dụng tối đa dịch vụ sẵn có. Mục tiêu của Dự án là nâng cao năng lực cho đối tác, nhân viên xã hội tại cơ sở bảo trợ nhằm bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, bóc lột lao động; cải thiện khả năng tái hòa nhập kinh tế-xã hội cho trẻ là nạn nhân và phòng ngừa nạn buôn bán, bóc lột trẻ em hướng tới giảm kỳ thị trong cộng đồng đối với nạn nhân.
Dự án đã thu hút sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; có sự sáng tạo, lồng ghép nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân hoặc có nguy cơ cao. Tuy nhiên, khó khăn là chưa xác định đối tượng trẻ em là nạn nhân bị buôn bán (theo tiêu chí châu Âu); nguồn lực hỗ trợ trực tiếp hay vật chất cho trẻ còn hạn chế; phụ huynh, người chăm sóc trẻ, trẻ em chưa sẵn sàng tham gia các hoạt động dự án…
Đánh giá toàn diện về tác động và kết quả của dự án, bà Nguyễn Thị Vân, đại diện nhóm tư vấn cho rằng, Dự án đã góp phần phục hồi, tái hòa nhập để phòng ngừa trẻ tái bị mua bán hay bóc lột; giải quyết các yếu tố dễ bị tổn thương dẫn đến trẻ có nguy cơ bị mua bán hay bóc lột (nhận thức, năng lực giải quyết vấn đề của gia đình, cơ hội học tập cho trẻ…); xây dựng mạng lưới bảo vệ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân và trẻ có nguy cơ cao bị mua bán, bóc lột. Đặc biệt, gia đình, trẻ em và cộng đồng đã được nâng cao nhận thức và biết cách ứng phó với các tình huống trẻ em bị mua bán, bóc lột; năng lực nhận diện, xác định, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bóc lột được tăng cường... Bà khuyến nghị các đơn vị tham gia tăng cường phối hợp và hỗ trợ cơ quan đối tác, chính quyền địa phương; cần tích hợp thực hành hay phương pháp tốt từ dự án vào quy trình, thực hành hiện hành của cơ quan; đánh giá nhu cầu và mức độ ưu tiên; chú trọng nguồn nhân lực phối hợp thực hiện dự án…
Dự án đã góp thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Dự án đã giải quyết một khoảng trống về năng lực hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại cộng đồng thông qua nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên công tác xã hội, cán bộ hỗ trợ tại trường tình thương và cán bộ địa phương./.