Mục tiêu của Kế hoạch là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
TTXVN - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/QĐ-TCTCCTTHC ban hành Kế hoạch hoạt động 4 tháng cuối năm 2023 của Tổ công tác này.
Mục tiêu của Kế hoạch là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách theo các văn bản, chương trình, kế hoạch đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành từ nay đến cuối năm 2023.
Mục tiêu tiếp theo là kịp thời nắm bắt, chỉ đạo xử lý tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Tổ công tác.
Trong 4 tháng cuối năm 2023, từng thành viên Tổ công tác, cơ quan thường trực Tổ công tác sẽ thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc hoặc phối hợp chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 (Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 6/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ) tại các bộ, địa phương được phân công theo dõi chỉ đạo, đôn đốc.
Trong quý IV/2023, Tổ công tác sẽ tổ chức đối thoại, làm việc bằng hình thức phù hợp với các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Cơ quan thường trực Tổ công tác - Văn phòng Chính phủ sẽ thường xuyên tiếp nhận, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân (bao gồm cả những quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật). Hằng tháng hoặc đột xuất báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác xem xét chỉ đạo tháo gỡ.
Trong tháng 10/2023, sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề trực tuyến toàn quốc đánh giá về tình hình, kết quả triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021.
Tháng 11/2023, sẽ tổ chức phiên họp chuyên đề của Tổ công tác nghe báo cáo về giải pháp chuyển đổi sang sử dụng một loại tài khoản duy nhất là tài khoản VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 01/7/2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP.
Trước ngày 15/12/2023, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tháng 12/2023, sẽ xây dựng Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác…
Trước đó, ngày 6/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 932/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Tổ phó Tổ công tác gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Tổ phó thường trực); Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; lãnh đạo Bộ Công an là Tổ phó thường trực Tổ công tác triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách./.