Thời sự

Hải Phòng đồng hành, tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển

Hải Phòng

Lãnh đạo thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng.

Thường trực Thành ủy Hải Phòng đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

TTXVN - Ngày 19/8, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức đối thoại với hơn 600 đại biểu đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn với chủ đề "Doanh nghiệp Hải Phòng đoàn kết, tự hào, tự cường và phát triển bền vững".

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, 5 năm qua, trung bình mỗi năm, Hải Phòng có 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký trung bình của một doanh nghiệp là trên 8 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7/2023, trên địa bàn thành phố có tổng số 26.535 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 25.734 doanh nghiệp khu vực tư nhân, chiếm 96,98% (trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%); 73 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 0,28%; 769 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 2,74%. Trong số 25.734 doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp do người Hải Phòng đăng ký thành lập chiếm 81,27%, tương đương với 20.193 doanh nghiệp.

Ban Tổ chức cho biết, đã có 122 ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: đầu tư, đấu thầu, thủ tục hành chính, bảo hiểm xã hội, tiếp cận đất đai, tài chính, thuế, tín dụng; nhóm lĩnh vực về xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp. Các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đã được lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương giải đáp tương đối đầy đủ, rõ ràng và nêu các định hướng, giải pháp để doanh nghiệp yên tâm hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Ông  Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc  Sở Xây dựng Hải Phòng phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Tại buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, thành phố tổ chức hội nghị với danh nghĩa Thường trực Thành ủy gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó, lãnh đạo thành phố muốn truyền đi thông điệp về sự trân trọng, đề cao sự đóng góp, vai trò của doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố, đồng thời khẳng định, doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp Hải Phòng là sức mạnh nội tại, là nguồn lực tự cường của thành phố.

Bí thư Thành ủy khẳng định, lãnh đạo thành phố cam kết dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng lớn mạnh. Đây không phải là chủ trương lý thuyết, mà sẽ trở thành những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể Thường trực Thành ủy tập trung chỉ đạo thời gian tới.

Theo đó, lãnh đạo thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng để công khai, minh bạch, người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi, giám sát kết quả.

Việc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai có trách nhiệm và thực chất từ thành phố tới sở, ngành, quận, huyện thông qua nhiều hình thức như Café doanh nhân; thứ Bảy cùng Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Thành phố ban hành và triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách đáp ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, trong đó sẽ có nội dung hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư thành ủy Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Theo Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu, thành phố đã đề xuất và được Tập đoàn LG đồng ý để các doanh nghiệp Hải Phòng tham gia vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái của của họ. Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế chủ trì, phối hợp các hiệp hội doanh nghiệp, các sở, ngành, thống kê các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu, trên cơ sở đó sẽ trao đổi với các doanh nghiệp FDI và tổ chức hội nghị, hỗ trợ các sản phẩm và kết nối công nghiệp phụ trợ.

Các giải pháp về phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, xây dựng nhà công nhân, đào tạo nghề cho người lao động... cũng được Thường trực Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo tại cuộc đối thoại.

Đối với đội ngũ doanh nhân, ông Lê Tiến Châu mong muốn, ngoài chia sẻ khó khăn, vướng mắc, các doanh nhân tiếp tục chủ động nghiên cứu, đóng góp, hiến kế cho thành phố những giải pháp. Mỗi doanh nghiệp cần tự đổi mới để bắt kịp xu thế, mở rộng thị trường, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./.

Minh Thu

Tin liên quan

Xem thêm