Khắc phục những hạn chế về đăng ký biện pháp đảm bảo theo Nghị định số 99/2022/NĐ-CP
Nghị định 99/2022/NĐ-CP không chỉ xác định rõ phạm vi điều chỉnh với hoạt động đăng ký, các trường hợp đăng ký bảo đảm mà còn đảm bảo sự thống nhất về trình tự đăng ký biện pháp bảo đảm với Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành.
TTXVN - Ngày 17/8, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh tổ chức Tọa đàm về thực thi hiệu quả Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm. Buổi tọa đàm nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong nhận thức và áp dụng quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/1/2023 thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, gồm 5 chương, 58 điều. Nghị định quy định rõ các trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm; cơ quan đăng ký, cơ quan cung cấp thông tin trong giao dịch bảo đảm; quy định về phiếu yêu cầu đăng ký, hồ sơ đăng ký nộp qua hệ thống đăng ký trực tuyến.
Theo quy định, đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi, cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác hoặc đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình và của người khác đối với bên nhận bảo đảm (đăng ký).
Tại Tọa đàm, Bộ Tư pháp đã phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, các văn bản có liên quan; giới thiệu một số điểm mới của nghị định và một số chuyên đề của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) chia sẻ, Nghị định 99/2022/NĐ-CP không chỉ xác định rõ phạm vi điều chỉnh với hoạt động đăng ký, các trường hợp đăng ký bảo đảm mà còn đảm bảo sự thống nhất về trình tự đăng ký biện pháp bảo đảm với Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành.
Có thể thấy, Nghị định 99/2022/NĐ-CP đã có nhiều quy định mới tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của Nghị định 102/2017/NĐ-CP trong công tác thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong giao dịch, các bên liên quan; đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2026.
Đại diện Ban Pháp chế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể cho các tổ chức tín dụng trong việc phân, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc trong việc xác lập các biện pháp bảo đảm cũng như đăng kí biện pháp bảo đảm; cụ thể hóa hoạt động đăng kí biện pháp bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm bằng tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân; làm rõ việc đăng kí đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng áp dụng trong cho vay hay thế chấp tài sản, tài sản đảm bảo…
Nghị định số 99/2022/NĐ-CP còn góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai số hóa hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động nhận bảo đảm, đăng kí biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng. Việc quy định công nhận giá trị pháp lý của chữ kí điện tử, con dấu điện tử phù hợp với xu thế của thời đại công nghệ số và bối cảnh các tổ chức tín dụng đang triển khai đẩy mạnh mục tiêu chuyển đổi ngân hàng số.
Theo đại diện Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), cơ quan này có vai trò vừa là cầu nối, vừa là động lực để thúc đẩy cho khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, đồng thời đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam; hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về huy động các nguồn vốn quốc tế, giao dịch đảm bảo; hỗ trợ xây dựng các quy định về thế chấp quyền sử dụng đất của doanh nghiệp cho các khoản vay quốc tế trong khuôn khổ Luật Đất đai đang sửa đổi…/.