Văn hóa

Thắp sáng ý chí ở vùng đất “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”

Hưng Yên

Xã Nam Cường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) được hình thành từ phong trào khai hoang, lấn biển trong những năm 60 của thế kỷ XX với phương châm “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”. Trải qua hơn 60 năm phát triển, câu chuyện về sự đổi thay của vùng đất này luôn được kể lại với tất cả niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc, gắn liền với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Bác về thăm vào ngày 26/3/1962.

 *Hành trình gian khó “đẩy sóng ra xa”…

Thực hiện chủ trương của tỉnh với hai mũi tấn công “Thâm canh cây cói và tiến quân ra biển", tháng 4/1961 hơn 200 cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó nhiều người là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch các xã trong huyện Tiền Hải đã tập hợp, làm lễ tuyên thệ, thành lập Tiểu đoàn khai hoang Nam Cường với Đảng bộ gồm 54 đồng chí, chia thành 4 chi bộ trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo công tác khai hoang lấn biển. Biến quyết tâm thành hành động, ngày 23/4/1961 ghi dấu ấn quan trọng của Tiểu đoàn trong hành trình “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Nam Cường được lưu giữ tại nhà truyền thống của địa phương.
Ảnh tư liệu - TTXVN phát

Những ngày tháng đầu tiên nơi khai hoang với muôn vàn khó khăn, thử thách, đồng chua nước mặn, thiếu thốn đủ bề nhưng chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 4 - 12/1961, nhân dân Nam Cường đã khai phá được hơn 200ha, mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 90ha trồng lúa, hơn 100ha trồng cói và nuôi trồng thủy sản.

Nhằm động viên phong trào, ngày 26/3/1962, trong lần thứ 4 về thăm Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Hợp tác xã Nam Cường, biểu tượng của tinh thần “rẽ sóng ra khơi, đắp đê ngăn nước thủy triều, biến bãi biển hoang vu thành đồng lúa, làng mạc”. Người đã tặng huy hiệu cho 4 xã viên và cán bộ có thành tích trong phong trào khai hoang lấn biển ở địa phương. Người căn dặn: “Đồng bào đi khai hoang, gian khổ không kém gì các chiến sỹ ngoài mặt trận! Lúc đầu có gian khổ, mọi người phải đoàn kết. Giống như dây chão được se lại bằng nhiều sợi, dây lớn không thể đứt được”; “Muốn ăn cam thì phải trồng cam. Trồng cam hạt 5 năm có quả, trồng cam chiết 3 năm có quả. Đồng bào đi khai hoang cũng vậy, phải cố gắng lao động sản xuất thì mới nhanh chóng ổn định được”. Lời dạy giản dị, gần gũi của Người đã tiếp thêm niềm tin mạnh mẽ cho những cán bộ, đảng viên và nhân dân Tiểu đoàn khai hoang Nam Cường tiếp tục hành trình lấn biển đầy khó nhọc.

Đền thờ Bác Hồ trong Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Thái Bình.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN 

Đã hơn 60 năm từ ngày Bác về thăm nhưng ông Tạ Quang Bình (sinh năm 1954, thôn Chí Cường) vẫn luôn nhớ như in hình ảnh của Người. Khi đó ông đang học trường cấp 1 (nay là trường Tiểu học Nam Cường), được cô giáo thông báo sẽ được gặp Bác ai cũng thấy hồi hộp, phấn khởi. Ông cũng là một trong 6 học sinh của lớp may mắn được gặp Bác. Ông Bình chia sẻ, ấn tượng nhất đối với ông là Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ của đất nước rất giản dị, gần gũi và dành sự quan tâm lớn đến người dân, đặc biệt là các em nhỏ. Ông Bình được Bác tặng quần áo – món quà không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần lớn lao với người dân vùng khai hoang lúc đó.

Ông Tạ Quang Bình, thôn Chí Cường, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Thái Bình hồi tưởng lại lần được gặp Bác.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN 

Thời gian Bác về thăm Nam Cường không dài, song những lời dạy của Bác theo ông Bình suốt những năm tháng trong quân ngũ với hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” gan dạ, góp phần làm nên chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến thời gian công tác tại địa phương, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường, ông Bình luôn nỗ lực xây dựng và phát triển quê hương như lời Bác căn dặn.

*Khắc ghi lời Bác, xây dựng miền quê trù phú

Hơn 60 năm khắc ghi lời Bác dạy, với đôi bàn tay chai sạn và bản lĩnh, ý chí của người con miền biển, nhân dân Nam Cường đã vượt qua thử thách, ngày đêm miệt mài trên những cánh đồng lúa mới, trên những vuông tôm cá đầy hy vọng. Họ cần cù đắp bờ, be chắn, từng bước lấn biển, mở rộng thêm những vạt đất màu mỡ.

Thắp sáng ý chí ở vùng đất “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”

Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường cho biết, từ mảnh đất đầy lau lách, chua phèn, “thưa mái nhà, chưa có bóng cây”, nhờ khai hoang lấn biển, đến nay Nam Cường có diện tích tự nhiên 381,7ha; trong đó đất nông nghiệp 220ha (gồm đất trồng lúa 69,46ha; nuôi trồng thủy sản 117,8ha) với trên 900 hộ gia đình, trên 3.300 nhân khẩu. Thực hiện lời Bác dạy “Gian khổ cố vượt lên”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa kinh tế xã phát triển đa dạng. Đảng bộ, chính quyền địa phương nhiều năm đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”. Ðặc biệt, ngày 20/8/2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Cường vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tuy không được chọn làm xã điểm nhưng với truyền thống đoàn kết, năm 2013, Nam Cường là 1 trong 4 xã đầu tiên của huyện Tiền Hải đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2023 xã tiếp tục được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và cũng là một trong những xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Một góc xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình ngày nay.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN 

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân địa phương, giai đoạn 2013-2024, xã đã đầu tư 39 tỷ đồng, triển khai xây dựng 37 công trình, trong đó xây mới 30 công trình; cải tạo, nâng cấp 7 công trình. Nhiều thôn đã vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, tự bỏ kinh phí và ngày công xây dựng, mở rộng các tuyến đường giao thông, hệ thống rãnh thoát nước, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và giao thông đi lại của người dân. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã Nam Cường đạt trên 80 triệu đồng/người/năm.

Ngày nay, những hình ảnh về Tiểu đội khai hoang Nam Cường – những người có công mở đất và kỷ vật về Bác Hồ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nâng niu, gìn giữ tại Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bộ quần áo, đôi dép cao su giản dị của Người, huy hiệu Bác Hồ được Bác trao cho chiến sỹ thi đua trong phong trào khai hoang lấn biển năm 1962. Đặc biệt, lời huấn thị của Người động viên nhân dân xã Nam Cường vượt qua mọi gian khổ, vươn ra biển lớn luôn là kim chỉ nam định hướng con đường phát triển của địa phương.

Người dân đến dâng hương tại đền thờ Bác nằm trong Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Thái Bình.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, thực hiện lời căn dặn của Bác về việc phát triển kinh tế hướng biển, đặc biệt là lấn biển, thời gian qua huyện Tiền Hải luôn tập trung cho mục tiêu này. Đến nay, Khu kinh tế ven biển đã được thành lập và hình thành những phân khu chức năng. Giai đoạn 2021-2025, huyện Tiền Hải tập trung phát triển kinh tế ven biển trong Khu kinh tế, trong đó xây dựng 2 khu công nghiệp mới là Hải Long, Khu công nghiệp Hưng Phú. Đối với Khu công nghiệp Tiền Hải với diện tích ban đầu 466ha đã hoàn thành và đi vào hoạt động, hiện nay đang tiếp tục quy hoạch mở rộng lên hơn 700ha.

Nam Cường hôm nay không chỉ là một vùng quê yên bình, trù phú mà còn là biểu tượng của ý chí vượt qua khó khăn, thử thách của người dân vùng biển. Nơi đây, lời dạy của Bác vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho hành trình "đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại" với những nỗ lực không ngừng nghỉ và bằng khát vọng vươn tới những chân trời mới. Đặc biệt tới đây, theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Thái Bình, xã Nam Cường sẽ sáp nhập cùng 3 xã lân cận để hình thành nên xã Nam Cường mới với nhiều tiềm năng phát triển. Đây sẽ là cơ hội lớn để địa phương bứt phá vươn lên như lời Bác từng căn dặn./.

Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm