Trước đó, vào khoảng 16 giờ, ngày 5/6, anh Lữ Văn Thủy (sinh năm 1985, trú bản Na Cáy, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) đã tự nguyện mang 1 cá thể trăn gấm có trọng lượng hơn 2 kg đến giao nộp cho Hạt Kiểm lâm Quế Phong.
Ngày 6/6, ông Nguyễn Viết Minh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, chiều 6/6, Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) tái thả 1 cá thể trăn gấm (Python reticulatus) về môi trường sống tự nhiên thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong).
Trước đó, vào khoảng 16 giờ, ngày 5/6, anh Lữ Văn Thủy (sinh năm 1985, trú bản Na Cáy, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) đã tự nguyện mang 1 cá thể trăn gấm có trọng lượng hơn 2 kg đến giao nộp cho Hạt Kiểm lâm Quế Phong. Sáng 6/6, Hạt Kiểm lâm đã kiểm tra, xác nhận tình trạng sức khỏe của cá thể trăn này. Nhận thấy sức khỏe của cá thể trăn ổn định, không có dấu hiệu bệnh tật, Hạt Kiểm lâm Quế Phong đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định và phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Đồn biên phòng Hạnh Dịch để thả cá thể trăn về môi trường tự nhiên rừng đặc dụng.
Anh Lữ Văn Thủy, người tự nguyện giao nộp cá thể trăn gấm cho lực lượng chức năng chia sẻ, cá thể này được anh phát hiện trong quá trình đi làm. Lúc đó, cá thể trăn gấm đang trong tình trạng bị mắc kẹt trong lưới đánh cá của người dân trên suối. Sau đó, anh Thủy bắt cá thể trăn này và chủ động liên lạc, khai báo cơ quan chức năng, Hạt kiểm lâm để thực hiện trình tự thủ tục bàn giao theo đúng quy định của pháp luật.
Đây là cá thể trăn gấm thứ hai trong tháng 6/2024 được lực lượng chức năng nhận được từ người dân địa phương giao nộp để tái thả vào môi trường tự nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Trước đó, chiều 3/6, Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong đã phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch cũng tái thả 1 cá thể trăn gấm (Python reticulatus) nặng 6 kg về môi trường sống tự nhiên. Cá thể trăn gấm này do một người dân địa phương mua lại. Sau khi biết trăn gấm là loài động vật quý, hiếm cần bảo tồn và bảo vệ nghiêm ngặt, người dân đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng.
Trăn gấm (tên khoa học là Python reticulatus), có tên trong Phụ lục II Cites; nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 mức độ CR (Cực kỳ nguy cấp) và thuộc Phụ lục IIB/60 của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học được các ngành chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền. Nhờ đó, nhận thức của người dân, nhất là cộng đồng dân cư tại các bản vùng đệm Khu bảo tồn đã có chuyển biến tích cực và ngày càng nâng cao. Người dân đã chung tay cùng lực lượng Kiểm lâm trong việc quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước…
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (một trong 3 vùng lõi của Khu sinh quyển miền Tây Nghệ An, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007) có diện tích hơn 90.000 ha, nằm trên địa bàn 9 xã của huyện Quế Phong (Nghệ An). Nằm trên sườn Bắc của dãy Trường Sơn, có độ cao từ 200 m đến hơn 2.400 m (so với mực nước biển), Khu bảo tồn có độ đa dạng sinh học cao. Đây là một kho tàng về đa dạng sinh học, lưu giữ các nguồn gen của nhiều loài động, thực vật quý, hiếm và đặc hữu như: Pơ mu, sa mu dầu, bách xanh, lan kim tuyến, voọc xám, vượn má trắng, gà lôi vằn, mang lớn…/.