Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6/6): Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
Người cao tuổi Việt Nam luôn là những người lao động cần cù, sáng tạo góp phần xây dựng quê hương, đất nước; quên mình chiến đấu hy sinh chống ngoại xâm vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc, người cao tuổi luôn có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đối với Việt Nam, người cao tuổi luôn là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội. Do vậy, việc chung tay chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi luôn nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như của toàn xã hội.
* Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc
Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, người cao tuổi Việt Nam luôn là những người lao động cần cù, sáng tạo góp phần xây dựng quê hương, đất nước; quên mình chiến đấu hy sinh chống ngoại xâm vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tháng 6/1941, ngay sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Bác chỉ rõ: "Trách nhiệm của các phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất phụ lão cứu. Đất nước suy sụp phụ lão phủ trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo… Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão". (1)
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, của Đảng ta, lớp lớp người cao tuổi hăng hái tham gia giành chính quyền, kháng chiến, kiến quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, người cao tuổi đã gương mẫu thực hiện và vận động con cháu tham gia diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Động viên thanh niên đi bộ đội, đi thanh niên xung phong mở đường chiến dịch. Các “Hội mẹ chiến sĩ” tích cực vận động tiết kiệm, xây dựng “Hũ gạo nuôi quân”, hết lòng chăm sóc anh em thương binh từ các mặt trận đưa về hậu cứ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở miền Bắc có nhiều hội viên phụ lão đã tích cực tham gia xây dựng những “cánh đồng 5-10 tấn thắng Mỹ”, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, giành danh hiệu “Phụ lão 3 giỏi”... Ở chiến trường miền Nam, nhiều người cao tuổi đã ngày đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, giúp đỡ quân giải phóng, tham gia đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị; các bà má miền Nam dũng cảm đi đầu trong các đoàn biểu tình, đòi con đang bị giam cầm; kêu gọi anh em binh lính ngụy quay súng trở về với Tổ quốc, với đồng bào.
Sau khi đất nước thống nhất, non sông liền một dải, người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo dữ liệu dân cư quốc gia, hiện nay, nước ta có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi (chiếm 15,9% số người cao tuổi), 9,05% triệu người cao tuổi là nữ (chiếm 57,7%), 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%).
Mặc dù tuổi cao nhưng trên 7 triệu người cao tuổi vẫn đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất; hơn 700.000 người cao tuổi còn đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hoà giải cơ sở; trên 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở.
Nhiều người cao tuổi là già làng, trưởng bản, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận có uy tín cao, là lực lượng không thể thiếu trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở. Nhiều người cao tuổi có trình độ giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia vẫn nhiệt huyết, phát huy kinh nghiệm, trí tuệ, tiếp tục đóng góp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Nhiều người cao tuổi đã trở thành hạt nhân trong các phong trào (“Người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi”, “Xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh”, “Xây dựng đời sống văn hóa”, “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, “giữ vững chủ quyền, bảo đảm an ninh, trật tự biên giới, đất liền, biển đảo”…) và là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, bản làng, tổ dân phố, cộng đồng dân cư. Với tuổi tác và sự trải nghiệm cuộc sống, người cao tuổi có lợi thế hơn bất cứ tầng lớp xã hội nào khác trong việc tuyên truyền, vận động con cháu, gia đình và thôn, bản thực hiện các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động. Bản thân người cao tuổi luôn gương mẫu đi đầu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đấu tranh với các thói hư, tật xấu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng tích cực tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, vận động gia đình, con cháu, họ tộc đóng góp hàng tỷ đồng và hàng chục triệu ngày công, hiến đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hoá, trường học, cơ sở y tế... Nhiều người cao tuổi là kiều bào dù ở xa Tổ quốc vẫn động viên con cháu, thế hệ trẻ giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc văn hóa Việt, hướng về cội nguồn, tích cực đóng góp nguồn lực xây dựng đất nước.
* Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác chăm sóc người cao tuổi để người cao tuổi được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất, được tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và phát huy “vốn quý của dân tộc”.
Đặc biệt, kể từ khi Liên hợp quốc khởi xướng Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10), Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ đầu và được Liên hợp quốc đánh giá cao. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã quan tâm đến Ngày Quốc tế Người cao tuổi hằng năm bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544, lấy tháng 10 hằng năm là Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam.
Để chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi, năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu: đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đề án do Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình điều phối và chịu trách nhiệm thực hiện.
Theo đó, một số chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2025 bao gồm: 80% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có tổ chức lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng…
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa…
Với chủ trương, chính sách kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, người cao tuổi ở Việt Nam được chăm sóc ngày càng tốt hơn. Cả nước hiện có 46/425 cơ sở trợ giúp xã hội cơ sở chăm sóc người cao tuổi, bảo đảm 87% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời. Tỷ lệ người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 95%.
Tính riêng năm 2023 đã có trên 2,5 triệu lượt người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe; trên 3,5 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 4,5 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ. Hội Người cao tuổi các địa phương đã phối hợp tổ chức chúc thọ, mừng thọ, tặng quà của Chủ tịch nước cho 1,2 triệu người có độ tuổi từ 70 đến trên 100 tuổi…
Phát biểu tại cuộc họp tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam (diễn ra ngày 12/3/2024), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam đề nghị: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trình Chính phủ trong quý IV năm 2024.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở theo quy định; thống nhất hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên ngành lão khoa, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi; có giải pháp phù hợp đảm bảo 100% người cao tuổi có thẻ BHYT.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ nguồn lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách về người cao tuổi theo quy định; lồng ghép thực hiện công tác người cao tuổi trong các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan; tiếp tục tổ chức tốt công tác chúc thọ, mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi nghèo, cô đơn không có người phụng dưỡng; huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi tại địa phương.
Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan mở rộng hợp tác quốc tế để tham vấn, khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi bảo đảm thích ứng với giai đoạn già hóa dân số đang diễn ra hiện nay và giai đoạn dân số già trong thời gian tới. /.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2011, t.3, tr. 232
Trịnh Minh Duyên