Xã hội

Đề xuất khung pháp lý bảo vệ người dùng tài sản ảo

TP. Hồ Chí Minh

Việc cộng đồng chung tay xây dựng các bộ tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng, tiêu chuẩn dự án và ứng dụng công nghệ RegTech truy vết on-chain có thể góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận, lừa đảo liên quan đến tài sản ảo.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam báo cáo tại Hội thảo. 
Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Cần kết hợp kinh nghiệm quản lý rủi ro trong tài chính truyền thống và vận dụng đổi mới công nghệ trong xây dựng hình thành khung pháp lý tài sản ảo, nhằm bảo đảm quyền lợi khách hàng.

Nội dung này được nêu ra tại hội thảo "Khung pháp lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) lần 5: Nhìn từ góc độ bảo vệ người dùng” do Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 5/6.

Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo cần có sự kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn từ ngành tài chính truyền thống, đặc biệt là các nguyên tắc quản lý rủi ro, với chuyên môn sâu về các công nghệ mới. Trong đó, các nguyên tắc tuân thủ cơ bản như: Xác thực danh tính khách hàng (KYC), thẩm định doanh nghiệp đối tác (KYB), thẩm định đơn vị trung gian (KYI), xác minh giao dịch (KYT)... trong ngành tài chính truyền thống cần được áp dụng đối với lĩnh vực quản lý tài sản ảo nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng, sự bền vững của hệ thống và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Phan Đức Trung cho biết, việc cộng đồng chung tay xây dựng các bộ tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng, tiêu chuẩn dự án và ứng dụng công nghệ RegTech (công nghệ hỗ trợ tuân thủ quy định) truy vết on-chain (trên chuỗi) có thể góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận, lừa đảo liên quan đến tài sản ảo. RegTech sử dụng các công nghệ tiên tiến như: trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn và blockchain để tự động hóa và tối ưu hóa quá trình tuân thủ các quy định pháp luật, giúp giảm bớt công việc thủ công, tăng độ chính xác và minh bạch trong báo cáo.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về các quy định pháp luật từ góc độ bảo vệ người dùng, tìm hiểu một số mô hình quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo được đánh giá là tiến bộ trên thế giới. Điểm chung của các khung pháp lý này đều nhấn mạnh việc bảo vệ người dùng thông qua cấp phép cho nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (AML/CFT), đảm bảo tính minh bạch, quyền riêng tư, lưu ký tài sản của khách hàng và các tiêu chuẩn hoạt động nghiêm ngặt.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, tài sản ảo và các hoạt động xung quanh đó là một thực tế xã hội đã và đang tồn tại quy mô lớn ở Việt Nam và trên toàn cầu. Tài sản ảo cũng có thể được coi là một trong nhiều sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình phát triển của xã hội. Các ý tưởng sáng tạo thường đi trước sự phát triển của khung pháp lý và luôn mang đến những tác động tích cực và tiêu cực đối với xã hội.

“Việc hình thành khung pháp lý là cần thiết và nên được làm sớm để bảo vệ người dùng chân chính, tận dụng tối ưu các lợi thế của công nghệ mới cho sự phát triển của xã hội; đồng thời hạn chế những tác động trái chiều” - ông Đỗ Ngọc Quỳnh kiến nghị./.

Tiến Lực

Tin liên quan

Xem thêm