Dự án mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật; mở rộng dịch vụ xã hội,…
Ngày 5/6, tại thành phố Đồng Xoài (Bình Phước), Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ban Điều phối Dự án tỉnh Bình Phước và Tổ chức Catholic Relief Services (CRS) đã tổ chức Lễ khởi động Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước Mai Xuân Tuân, toàn tỉnh hiện có 12.716 người khuyết tật, trong đó số người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 34%; số người khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam là 522 người, chiếm 4,1%.
Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” được triển khai tại 11 huyện/thành phố/thị xã của tỉnh Bình Phước từ tháng 6/2024 - 11/2026, với tổng kinh phí hơn 3,8 triệu USD (tương đương 92,2 tỷ đồng).
Dự án tập trung vào các nội dung: mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật; mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật; giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của người khuyết tật và tăng cường năng lực quản lý, thực hiện hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp.
Ông Mai Xuân Tân cũng cho biết, giai đoạn từ tháng 6/2024 - 11/2026, trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ có khoảng 3.160 người khuyết tật được can thiệp phục hồi chức năng; 3.340 người khuyết tật nhận dịch vụ chăm sóc; 192 nhân viên y tế được đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn; 3.748 cán bộ y tế, thành viên gia đình và người chăm sóc tại cộng đồng được tập huấn/hướng dẫn kỹ năng chăm sóc người khuyết tật.
Quyền Trưởng Văn phòng đại diện CRS tại Việt Nam Bùi Quỳnh Nga khẳng định: “Kể từ khi thành lập văn phòng tại Hà Nội vào năm 1994, CRS đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ từ trung ương đến địa phương và các tổ chức khác để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương tại Việt Nam. Hiện nay, CRS Việt Nam hoạt động tại 12 tỉnh, thành phố với các chương trình về giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, hòa nhập người khuyết tật, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. CRS hướng đến một thế giới nơi tất cả người khuyết tật được hòa nhập và hỗ trợ để phát huy tối đa tiềm năng của họ. Để đạt được mục tiêu này, CRS hợp tác với người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật và nhà cung cấp dịch vụ để thúc đẩy việc thực thi chính sách, thay đổi định kiến xã hội, giảm thiểu rào cản và mở rộng dịch vụ cho người khuyết tật”.
Bà Bùi Quỳnh Nga nhấn mạnh, với chuyên môn về hỗ trợ trẻ em khuyết tật, phục hồi chức năng, đào tạo, hỗ trợ tâm lý, sinh kế và hòa nhập xã hội, các đối tác của CRS (Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam - VNAH, Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững - VietHealth, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Giáo dục Hoàng Đức - HDEC, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật - DRD) cung cấp các hỗ trợ và dịch vụ tổng thể và toàn diện, nhằm đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật, các cơ sở cung cấp dịch vụ tại địa phương và những cán bộ tham gia hỗ trợ người khuyết tật. CRS và các đối tác cam kết hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, các sở, ban, ngành tại tỉnh Bình Phước để đảm bảo sự thành công của Dự án.
Trong 3 năm tới, Dự án sẽ tăng cường tập trung hỗ trợ trẻ khuyết tật, hỗ trợ phát hiện sớm và can thiệp sớm để cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật./.