Khoa học

Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài sản ảo

Tính tới tháng 12/2023, có 32/60 quốc gia đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa. Không có khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo đang là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Quang cảnh diễn đàn Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai.
Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

TTXVN - Ngày 24/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức diễn đàn thường niên với chủ đề "Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai".

Theo Báo cáo khảo sát tại 60 quốc gia với 4 tiêu chuẩn gồm: Thuế, chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT), bảo vệ người dùng và tiêu chuẩn nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), tính tới tháng 12/2023, có 32/60 quốc gia đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa. Đặc biệt, 10 quốc gia trong nhóm G20 (gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu-EU) đã chính thức ban hành quy định quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP). Không có khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo đang là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho biết, đến nay đã có 18 văn bản liên quan đến VA-VASP ở nước ta được ban hành. Trong đó, đáng lưu ý nhất là Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám (grey list) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF).

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung phát biểu.
Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Hiện khoảng 20% dân số Việt Nam đang sở hữu tài sản mã hóa. Đây là những loại tài sản được ứng dụng công nghệ blockchain để mã hóa, sau đó có thể giao dịch bởi các nhà đầu tư tài sản ảo bằng các loại tiền điện tử, tiền mã hóa, mà chủ yếu là Bitcoin. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, công nghệ ngân hàng, nếu các giao dịch tài sản ảo không được quản lý, không tuân thủ các nguyên tắc đóng thuế sẽ là thách thức lớn trong thời gian tới. Đồng thời, nhiều vấn đề sẽ phát sinh khi nhiều quốc gia phát hiện ra các giao dịch ngầm như rửa tiền, buôn bán vũ khí, yêu cầu nộp tiền chuộc trong các cuộc tấn công tống tiền bằng mã độc… đều có liên quan đến tài sản ảo.

Ông Đỗ Việt Cường, Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên - Huế cho biết: Ở Việt Nam đang có một bộ phận lao động được trả tiền bằng tài sản ảo khi làm việc trực tuyến, từ xa cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do đó, xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam khẳng định, việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho VA-VASP phù hợp tại thời điểm này là một bài toán khó vì các chính sách này sẽ cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Hiện tại, Kế hoạch Hành động quốc gia ban hành theo Quyết định 194/QĐ-TTg đang tập trung vào 2 ưu tiên là: Chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT) và tiêu chuẩn VASP. Trong khi đó, 2 tiêu chuẩn còn lại để tạo thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh là thuế tài sản mã hóa và bảo vệ người dùng hiện chưa được quan tâm thích đáng. Tại diễn đàn thường niên năm nay, Hiệp hội Blockchain Việt Nam mong muốn thu thập các ý kiến góp ý của cộng đồng, doanh nghiệp và đối thoại trực tiếp cùng cơ quan quản lý Nhà nước để đóng góp xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh quản lý VA-VASP trước tháng 5/2025.

Tại diễn đàn, Hiệp hội Blockchain Việt Nam công bố chương trình hành động hỗ trợ gọi vốn (Switch Up Accelerator) mùa thứ 2 cho các nhà khởi nghiệp (start-up) công nghệ; chia sẻ bức tranh toàn cảnh ngành blockchain Việt Nam và toàn cầu. Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) đã chính thức ra mắt cùng chiến lược đào tạo, phổ cập blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó có 100.000 sinh viên tại 30 trường đại học trên cả nước.../.

Nguyễn Thị Ngọc Bích

Tin liên quan

Xem thêm