Thanh Hóa tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng thiết yếu như: thanh toán điện, nước, mua bán hàng hóa không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến...
TTXVN - Thời gian qua, một số xã nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng cung cấp dịch vụ giữa nông thôn với thành thị.
Năm 2023, sau 3 năm được công nhận nông thôn mới nâng cao, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021- 2025, để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, phải có ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất về sản xuất, giáo dục, văn hóa... mang giá trị đặc trưng của địa phương, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Xác định đây là trọng trách lớn nhưng đầy vinh dự, các cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hà Sơn đã quyết tâm thực hiện thành công các tiêu chí kiểu mẫu, trong đó lựa chọn chuyển đổi số là tiêu chí nổi bật.
Ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Sơn cho biết, để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, xã chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng trên phần mềm chuyển đổi số, trọng tâm là các ứng dụng thiết yếu như: thanh toán điện, nước, mua bán hàng hóa không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến...
Qua điều tra khảo sát, xã Hà Sơn hiện có 72% người trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu như: khám bệnh, tư vấn sức khỏe từ xa, học trực tuyến, chính sách xã hội, phòng, chống dịch; trên 50% người trong độ tuổi lao động của xã có tài khoản thanh toán điện tử, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu.
“Hiện, xã Hà Sơn đang sử dụng nền tảng số để chỉ đạo, điều hành từ cấp ủy và chính quyền xã đến 100% cán bộ thôn, bản. Theo đó, xã đã lập 6 trang Zalo và 1 trang Facebook để chỉ đạo điều hành từ cấp ủy, chính quyền đến các thôn. Từ nền tảng Zalo, Facebook, các thông tin điều hành của cấp ủy, chính quyền đến cán bộ kịp thời, từ đó nhiệm vụ được thực hiện một nhanh chóng và hiệu quả…”, Phó Chủ tịch xã Hà Sơn cho biết thêm.
Là thôn được UBND xã Hà Sơn, huyện Hà Trung lựa chọn điểm trong xây dựng mô hình thôn thông minh, đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Chí Phúc ngày càng được nâng cao, khởi sắc. Theo đó, thôn Chí Phúc có 2 trạm BTS cung cấp dịch vụ thông tin di động; các doanh nghiệp đã lắp đặt các tuyến cáp quang đến tất cả các tuyến trên địa bàn thôn. Tại nhà văn hóa thôn có hệ thống wifi miễn phí để người dân thuận tiện truy cập mạng, cập nhật các thông tin trong quá trình họp, sinh hoạt cộng đồng. Theo thống kê, thôn Chí Phúc có 126 /126 hộ có điện thoại thông minh, 106/126 hộ đã lắp mạng internet.
Để đảm bảo công tác điều hành và quản lý trên địa bàn, cán bộ thôn lập trang thông tin trên nền tảng Zalo gồm 2 trang; trang Zalo cộng đồng dân cư thôn Chí Phúc và trang Zalo Chí Phúc tuyên truyền pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương tới nhân dân; đồng thời tiết kiệm được thời gian tổ chức hội họp tập trung…
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Trưởng thôn Chí Phúc cho biết, nhờ có trang thông tin điện tử và các nhóm Zalo chung trên điện thoại mà thông tin chỉ đạo của xã được các thôn cập nhật nhanh chóng, chính xác. Sau đó, thôn sẽ thông báo đến nhân dân qua nhóm Zalo, hệ thống loa truyền thanh... để nắm bắt và thực hiện kịp thời. Đồng thời, hệ thống 10 camera giám sát an ninh của thôn cũng được kết nối về điện thoại của trưởng thôn và hệ thống camera an ninh của xã.
Trưởng thôn Chí Phúc cho hay, số tuyến đường của thôn được trang bị đèn chiếu sáng thông minh là 5 tuyến, với 40 cột đèn. Trước kia, mỗi điểm cột đèn thôn được hộ gia đình liền kề hoặc một người đi chuyên trách đi bật lúc buổi tối và tắt lúc sáng sớm. Như vậy rất bất cập, nhiều khi không chủ động được thời gian, có những thời điểm kẻ gian nắm được đã tự tắt điện, dẫn đến trong thôn thường xảy ra các vụ trộm cắp tài sản trong đêm. Hiện nay, qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý điện, thôn đã lắp tủ điện hẹn giờ để bật, tắt tập trung, từ khi có hệ thống bật tắt tập trung, công tác quản lý đã đem lại hiệu quả thiết thực tiết kiệm chi phí.
Bà Lê Thị Quế, thôn Chí Phúc chia sẻ, từ ngày được chọn thí điểm xây dựng thôn thông minh, hướng tới hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã Hà Sơn trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, người dân được hưởng lợi rất nhiều, được hướng dẫn cài đặt ứng dụng định danh điện tử mức độ 2, nhiều thủ tục hành chính có thể tự khai ở nhà thay vì phải đến Ủy ban xã như trước đây. Các dịch vụ thanh toán tiền điện, nước… hằng tháng cũng có thể tự thực hiện được thông qua các ứng dụng trên smartphone…
Năm 2023, Hà Trung là một trong hai huyện được giao chỉ tiêu về đích huyện nông thôn mới. Cùng với việc hoàn thành 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay Hà Trung đã hoàn thiện 9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Để hoàn thành các tiêu chí trên, huyện Hà Trung đã xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn lực để đầu tư các hạng mục theo quy định như: nhà văn hóa đa năng huyện, bệnh viện, trường học… Đồng thời, địa phương khuyến khích người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh ven đường, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Ban Chỉ đạo chương trình nông thôn mới của huyện cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các tiêu chí hằng tháng để kịp thời điều chỉnh thực hiện.
Ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu năm 2023, huyện đã nhanh chóng giao nhiệm vụ cho các địa phương tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế. Hà Trung đã có 4 xã hoàn thành chuyển đổi số. Người dân huyện Hà Trung đã từng bước tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, chính quyền từ huyện đến xã đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
“Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Trung đã giúp thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã. Qua đó, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Đây cũng tiền đề để địa phương hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh”, Phó Chủ tịch UBND Hà Trung khẳng định.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông phát triển hạ tầng, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, thẩm định các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 14 thôn thông minh thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số là: Vân Sơn (huyện Triệu Sơn), Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) và Đông Khê (huyện Đông Sơn)./.