Bắc Giang ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Ngày 5/6, tại Bắc Giang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (UBND tỉnh Bắc Giang) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp cấp vùng với chủ đề: “Giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn khu vực trung du, miền núi phía Bắc”.
Trung du, miền núi phía Bắc được xem là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, dựa trên sự phong phú về tài nguyên (đất, nước, khí hậu) các chính sách hỗ trợ. Đáng chú ý, trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã định hướng phát triển cho vùng này đến năm 2045 phải “là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện”.
Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết, Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn như: chính sách liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ giống; chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP.
Đến nay, toàn tỉnh có 6 mô hình điểm trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Tỉnh đã hình thành được nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn như: chăn nuôi lợn, vịt kết hợp nuôi giun quế; chăn nuôi lợn, vịt, gà kết hợp sản xuất phân hữu cơ; mô hình lúa - cá; mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ... Qua đánh giá, các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho giá trị kinh tế tăng thêm từ 12-300%, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp giảm sử dụng nguyên liệu đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi) từ 10-30% so với sản xuất thông thường.
Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Thành, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng còn gặp những khó khăn như: thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn so với sản phẩm sản xuất theo hướng truyền thống không có sự khác biệt nhiều, nhất là về giá bán. Quy mô các mô hình còn nhỏ, khó cạnh tranh để đi vào các chuỗi cửa hàng lớn; nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa đa dạng; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn còn hạn chế; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn chưa thực sự là động lực để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia.
Giáo sư, Tiến sỹ Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển của một số nước trên thế giới, đồng thời cho rằng, để phát triển nông nghiệp hữu cơ cần phải liên kết, phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, từ đó góp phần tạo dựng thị trường, gây dựng niềm tin và tạo ra giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Tại diễn đàn, các cấp ngành, đơn vị chức năng, nhà khoa học, các hộ nông dân tiêu biểu cũng chia sẻ thông tin, kiến nghị bổ sung cơ chế chính sách đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; thúc đẩy liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực và thông tin tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng tiếp thu các ý kiến đóng góp, thảo luận để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, điều chỉnh chính sách đưa vào thực tế; đồng thời đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tích cực tham mưu cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở địa phương./.