Trong tiến trình tiền - sơ sử cách nay khoảng 4.000 năm, cư dân cổ Đồng Nai đã để lại cho đời sau một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu, độc đáo, trong đó có sản phẩm gốm và nghề làm gốm.
Ngày 29/11, Bảo tàng tỉnh Đồng Nai tổ chức khai mạc triển lãm “Gốm Biên Hòa xưa và nay” nhằm nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống. Triển lãm trưng bày gần 200 hiện vật được phát hiện trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học tại các địa phương và dòng gốm Biên Hòa trứ danh cùng các sản phẩm gốm đương đại dùng trong sinh hoạt gia đình hiện nay.
Tại triển lãm, Khoa Gốm và Điêu khắc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã tổ chức hoạt động xoay gốm, hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm những thao tác cơ bản xoay gốm, tự tay sáng tạo ra những sản phẩm gốm yêu thích, góp phần kéo giới trẻ đến với gốm để bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống này.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, trong tiến trình tiền - sơ sử cách nay khoảng 4.000 năm, cư dân cổ Đồng Nai đã để lại cho đời sau một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu, độc đáo, trong đó có sản phẩm gốm và nghề làm gốm.
Theo thời gian, những nghệ nhân gốm ở Biên Hòa, Đồng Nai đã khai sinh ra một dòng gốm đặc biệt nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ màu men không bóng (mát), trầm lắng, có chiều sâu, trang trí đơn giản mà có hồn. Với đặc điểm nổi bật trong kỹ thuật khắc chìm và phối men nhiều màu trên sản phẩm, gốm Biên Hòa nhanh chóng khẳng định ưu thế độc lập và xu hướng riêng.
Tuy nhiên, hiện nay nghề gốm truyền thống Biên Hòa đang đứng trước nguy cơ mai một do các nghệ nhân đều đã lớn tuổi, thiếu đội ngũ kế cận. Cùng với đó, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, những sản phẩm đúc bằng bê tông xịt giả men được sản xuất với số lượng lớn đã không chỉ kìm hãm sự phát triển của gốm Biên Hòa, mà còn đe dọa làm mai một nghề gốm truyền thống.
Ông Nguyễn Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, triển lãm góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống lâu đời ở Đồng Nai, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Dịp này, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho các cá nhân, tập thể đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; đồng thời tri ân các cá nhân, doanh nghiệp, trường học có sản phẩm gốm tham gia triển lãm.
Triển lãm “Gốm Biên Hòa xưa và nay” phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách từ nay đến hết ngày 10/2/2025./.