Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa - Chơn Thành
Dự kiến tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình có chiều dài 88 km; tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng chiều dài 128,8 km.
TTXVN - Sáng 12/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, cơ quan, địa phương về phương án dự kiến đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Hồng Hà; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương có tuyến đường đi qua và liên quan.
Dự kiến tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình với chiều dài nghiên cứu khoảng 88 km; tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng chiều dài 128,8 km. Cả hai tuyến đường đang trong quá trình xây dựng dự án, chuẩn bị đầu tư.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng, việc đề xuất đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa - Chơn Thành là hết sức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ kết nối Tây Nguyên.
Các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất các phương án về quy mô tuyến đường; dự tính phương án giải phóng mặt bằng; dự báo lưu lượng và tính toán sơ bộ phương án tài chính; khả năng thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất đầu tư theo phương thức công tư, huy động nguồn lực ngoài nhà nước, giảm áp lực vốn nhà nước và thu hút tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông…
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu, đến năm 2030, đất nước ta là một nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến 2045, là nước phát triển có thu nhập cao. Muốn đạt được các mục tiêu này, chúng ta phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông chiến lược. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết cho 6 Vùng, đều xác định rõ các tuyến đường cao tốc phải đầu tư xây dựng.
Ở vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có cao tốc Bắc Nam Hà Nội - Ninh Bình và một số tuyến cao tốc khác như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai. Vùng trũng trù phú là phía đông Ninh Bình, Nam Định kết nối một phần Thanh Hóa có điều kiện phát triển. Nhưng ở khu vực này mới chỉ phát triển nông nghiệp vì hạn chế hạ tầng giao thông, muốn phát triển công nghiệp thì phải phát triển hệ thống giao thông, giảm chi phí logistics. Do vậy, đường cao tốc nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sẽ kết nối Hải Phòng, Quảng Ninh; liên thông với hệ thống tuyến cao tốc phía đông từ Hà Nội lên tới Cửa khẩu Móng Cái, rồi các tuyến cao tốc từ Hà Nội lên Lào Cai, Hà Nội lên Lạng Sơn.
Ở khu vực Đông Nam Bộ, đang rất tích cực phát triển hạ tầng giao thông trong đó có đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh bằng kết hợp nguồn kinh phí Trung ương, nguồn tăng thu của địa phương. Việc đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành kết nối từ Đắk Nông với Bình Phước xuống Đồng Nai, Bình Dương giúp Tây Nguyên có kết nối thuận lợi hơn với các trung tâm kinh tế khu vực Đông Nam Bộ, để phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, với 2 tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), nếu đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước thì sẽ lâu do vốn ngân sách còn hạn hẹp và phải chi cho rất nhiều chương trình, dự án khác nhau; chỉ có hợp tác công tư mới có nguồn lực để làm, phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng tin tưởng, với khí thế, nhiệt huyết của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, chắc chắn chúng ta sẽ làm thành công. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương phải định hình cách làm, phương thức hợp tác; vấn đề liên quan nhiều tỉnh thì phải có sự liên kết của các tỉnh; mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân trên cương vị của mình làm hết sức mình thì sẽ thành công.
“Chúng ta phải bàn có trách nhiệm và mỗi chủ thể có tinh thần trách nhiệm cao nhất thì mới làm được. Chúng ta đã trải qua nhiều thời kỳ hết sức khó khăn, kể cả trong chiến tranh, nhưng nếu nỗ lực, quyết tâm thì sẽ vượt qua. Cần phải có mục tiêu rõ, giải pháp rõ và tổ chức thực hiện rõ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Thường trực Chính phủ dành thời gian họp để giải quyết việc thực tiễn đặt ra nhưng còn nhiều vướng mắc liên quan 2 dự án đường cao tốc này. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện là các chủ thể liên quan. Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải bàn bạc, phối hợp thực hiện; thẩm quyền của bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương nào thì bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đó giải quyết; những vấn đề còn vướng mắc thì tiếp tục bàn bạc, phối hợp giải quyết.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Chính phủ sẽ có Tổ công tác để phụ trách hai dự án kể trên; phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phụ trách tổ công tác này để giải quyết các thủ tục liên quan; yêu cầu các bộ cử Thứ trưởng tham gia Tổ công tác; các tỉnh phải lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hai dự án này. “Cấp tỉnh cố gắng rà soát 1 tuần 1 lần, Tổ công tác của Chính phủ họp rà soát 1 tháng 1 lần; công tác chuẩn bị đầu tư phải tích cực, chất lượng hơn nữa, kỹ càng hơn nữa”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đối với tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, ở đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ đầu tư; đoạn Nam Định, Thái Bình ra Hải Phòng, Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phụ trách. Đối với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tỉnh Bình Dương và Đắk Nông phối hợp chặt chẽ với Bình Phước để thực hiện.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các nhà thầu tư vấn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính toán chắc chắn, kỹ lưỡng, tư vấn thiết kế tuyến đường phù hợp, tất cả vì việc chung, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; tư vấn phải trung thực, khách quan, không được tiêu cực, tham nhũng; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp vào cuộc. “Quy mô tuyến đường cao tốc phải bảo đảm 4 làn hoàn chỉnh; tính toán lại tổng mức đầu tư, suất đầu tư phù hợp tình hình, bảo đảm tuân thủ luật pháp, bảo đảm hạn mức tín dụng của ngân hàng…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh chuẩn bị ngay các mỏ vật liệu xây dựng và giao trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu, không được lòng vòng; đề nghị Hội đồng nhân dân các tỉnh theo thẩm quyền phê duyệt quy hoạch liên quan đất đai, rừng…/.