Chính phủ hành động

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi”

Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát; khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát. 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tối 5/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Chương trình phát động và hưởng ứng 450 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Chương trình do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên các đài phát thanh - truyền hình trong cả nước.

Cùng dự có các Uỷ viên Bộ Chính trị: Thường Trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hưởng ứng phong trào Chung tay xóa nhà tạm, dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/1/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.

Triển khai chủ trương của Đảng, ngày 13/4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trước 5 năm so với Nghị quyết của Đảng đề ra.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trao tượng trưng kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đại diện địa phương. 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Phong trào đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân tích cực hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ. Bằng nhiều hình thức hỗ trợ, đến nay, nhiều ngôi nhà mới đáp ứng tiêu chuẩn “3 cứng”: nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng, tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên/đã hoàn thành.

Tại sự kiện, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tha thiết kêu gọi các tập thể, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống và làm ăn ở Việt Nam, cộng đồng và xã hội san sẻ yêu thương, ủng hộ kinh phí, vật liệu, công sức… để giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo; cùng với các nguồn lực của Nhà nước để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trong năm 2025, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động; cam kết sẽ làm hết sức mình, công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo kinh phí ủng hộ được chuyển trực tiếp đến tay người thụ hưởng.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong những năm qua, hơn 1,7 triệu căn đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, qua rà soát cả nước còn khoảng trên 400 ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng. Thực hiện phong trào do Thủ tướng Chính phủ phát động, hiện nay chúng ta đang trong chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, với mục tiêu hoàn thành cả 3 nhiệm vụ lớn: hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở với khoảng 200 nghìn căn nhà, bằng nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia, với khoảng 88 nghìn căn nhà; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên, với hơn 153 ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là khoảng 6.500 tỷ đồng.

Để hoàn thành công việc này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị có phương pháp, cách làm mới, theo đó, đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, phân chia các địa phương thành 4 nhóm, nhóm kinh tế phát triển sẽ tự đảm nhận; nhóm địa phương khó khăn, nhóm nghèo sẽ có cơ chế huy động nguồn lực, hỗ trợ phù hợp.

Cùng với đó, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên 5% năm 2024 của ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương cùng với nguồn lực xã hội hóa để thực hiện theo cách vừa phân công, vừa giao chỉ tiêu hỗ trợ theo địa chỉ để các địa phương có điều kiện hỗ trợ các địa phương khác; vận động và phân công các bộ, cơ quan, ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn, địa phương nghèo. Đặc biệt, huy động sự chung tay góp sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, lan tỏa rộng khắp trong xã hội, cộng đồng. 

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu. 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 là năm kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới; tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Thủ tướng cho biết, nhân dân ta có câu “An cư lạc nghiệp”; chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước rất rõ: Không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; làm sao cho nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, đúc kết của Nhân dân, nhằm chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước ta trong năm 2025, ngày 13/4/2024, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ cùng với đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025. Phong trào rất phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và ngay sau khi phát động đã được cả nước, đồng bào trong và ngoài nước nhiệt tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp, những đóng góp quan trọng của đồng bào, đồng chí cả nước, các bộ, ngành, địa phương cho Phong trào thi đua có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. 
Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát; khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi chúng ta đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì phải hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị, đồng bào, đồng chí, cộng đồng doanh nghiệp cả nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa với tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần “tương thân, tương ái”, “ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”, không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; lưu ý trong quá trình thực hiện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện phong trào này.

Tại chương trình, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trao kinh phí ủng hộ cho các địa phương còn khó khăn. Theo Ban Tổ chức, tổng số tiền huy động được khi kết thúc chương trình là 5.932 tỷ đồng, trong đó 3.287 tỷ đồng được huy động trong chương trình và 61 địa phương đã huy động được 2.645 tỷ đồng./.

Phạm Tiếp

Tin liên quan

Xem thêm