Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hoàn thiện thể chế, giải phóng toàn bộ sức sản xuất của đất nước
Kết luận phiên họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, phục vụ cho sự phát triển.
Ngày 13/4, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025. Kết luận phiên họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, phục vụ cho sự phát triển.
Chính phủ làm rõ những nội dung cần sửa đổi, hoàn thiện; những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục; phân cấp, phân quyền; những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo đối với 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó, tại dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các đại biểu thảo luận sâu về quy định về các hình phạt tử hình, thi hành án tử hình; mức phạt tiền các hành vi vi phạm pháp luật; các vấn đề liên quan tội phạm công nghệ cao, gian lận thương mại; xử lý hình sự hay không đối với hành vi vi phạm khi triển khai mô hình kinh doanh mới và mang tính thử nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ…
Tại dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), các thành viên Chính phủ quan tâm thảo luận về tổ chức bộ máy cơ quan điều tra hình sự, đặc biệt là các quy định liên quan các lực lượng có thẩm quyền điều tra hình sự và quan hệ giữa các cơ quan điều tra…
Với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Chính phủ thảo luận sôi nổi về các chính sách đặc thù, vượt trội xây dựng, phát triển trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, vận hành theo chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam; mô hình tổ chức, quản lý, giải quyết tranh chấp tại trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài…
Ở dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu quan tâm thảo luận về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo hướng phân cấp, phân quyền; thủ tục xử lý vi phạm hành chính phù hợp tình hình…
Chính phủ cũng như những vướng mắc liên quan vấn đề nhập tịch và trở lại quốc tịch Việt Nam tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch… để việc nhập quốc tịch Việt Nam được thuận lợi, thông thoáng hơn.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, cho ý kiến các nội dung nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, nhất là việc tham gia của tổ chức Công đoàn, tỷ lệ diện tích nhà ở thương mại tại các dự án nhà ở xã hội...
Cùng thảo luận và cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các Bộ: Công an, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án luật, nghị quyết; cũng như các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, có chất lượng của các đồng chí Thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự Phiên họp; yêu cầu các bộ chủ trì tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật, Nghị quyết theo đúng quy định để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực chỉ đạo các cơ quan chủ trì hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết; tiếp tục rà soát thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, phục vụ cho sự phát triển; tránh tình trạng không quản được thì cấm; thực hiện không biết thì không quản; giải phóng toàn bộ sức sản xuất của đất nước; huy động toàn bộ nguồn lực xã hội cho phát triển; phân cấp phân quyền tối đa với cơ chế kiểm tra, giám sát, đi đôi với phân bổ nguồn lực; cắt bỏ toàn bộ thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà; tăng cường thẩm quyền xử phạt hành chính, với chế tài, quy định cụ thể, rõ ràng để thực hiện có hiệu quả; đảm bảo rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ tiến độ để khi luật có hiệu lực được tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả./.