Hiện nay, Nike sản xuất khoảng 600 triệu đôi giày mỗi năm và 50% trong số đó được sản xuất tại Việt Nam, 50% nguyên liệu cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Nike cũng từ Việt Nam.
(TTXVN) Chiều 1/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Andy Campion, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nike đang có chuyến thăm Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động sản xuất kinh doanh của Nike đã đóng góp nhiều cho xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế và việc làm của Việt Nam thời gian qua.
Thủ tướng cũng vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó thương mại song phương tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực, đạt hơn 105 tỷ USD trong 11 tháng của năm, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Apple, Dell, GE, Intel, Microsoft… đã đầu tư tại Việt Nam, qua đó làm gia tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng thông báo về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong 11 tháng qua với nhiều kết quả tích cực, trong đó vốn đăng ký FDI khoảng 25 tỷ USD và giải ngân khoảng 20 tỷ USD - lớn nhất trong 5 năm vừa qua, cho thấy các nhà đầu tư an tâm đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã luôn bám sát tình hình để đề ra giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Việt Nam đang triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, lâu dài, chiến lược, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 FTA với khoảng 60 nền kinh tế, đang tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thủ tướng đề nghị Nike tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất và quản lý tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản lý theo hướng hiện đại, tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực…, thúc đẩy phát triển xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, góp phần cùng Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, ổn định, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đổi mới kinh tế toàn diện và đồng bộ, cải cách môi trường kinh doanh để doanh nghiệp nước ngoài mở rộng hoạt động.
Việt Nam coi khu vực có vốn nước ngoài là cấu phần quan trọng của nền kinh tế; khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và doanh nghiệp có thế mạnh, trên tinh thần hợp tác chân thành, “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Giám đốc Điều hành Nike nhất trí cao với các đề xuất hợp tác của Thủ tướng, bày tỏ ấn tượng trước nền văn hóa và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam thời gian qua; thông báo tình hình hoạt động rất tích cực, hiệu quả của Nike tại Việt Nam với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tự động hóa. Hiện nay, Nike sản xuất khoảng 600 triệu đôi giày mỗi năm và 50% trong số đó được sản xuất tại Việt Nam, 50% nguyên liệu cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Nike cũng từ Việt Nam.
Ông cũng đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam, cho biết đội ngũ nhân viên tại Việt Nam là đội ngũ có kỹ năng tốt nhất trên toàn thế giới của hãng, với nhiều người Việt Nam tham gia đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
Đặc biệt, ông đánh giá cao sức chống chịu kiên cường của nền kinh tế Việt Nam, sự chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua với chiến lược, tầm nhìn và sự can đảm. Ông cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả để các cơ sở của Nike quay trở lại hoạt động rất nhanh chóng và an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19; tin tưởng và mong muốn Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tập đoàn Nike (Hoa Kỳ) là một trong những tập đoàn chuyên sản xuất giày dép, quần áo thể thao hàng đầu thế giới. Mạng lưới nguồn cung ứng toàn cầu của Nike gồm 191 nhà máy giày dép tại 14 quốc gia, 344 nhà máy may mặc tại 33 quốc gia, trong đó nguồn cung ứng lớn nhất là tại Việt Nam. Tổng doanh thu năm 2022 của Nike là 46,7 tỷ USD.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nike Việt Nam thành lập kể từ năm 1995 với mạng lưới hơn 200 nhà máy đối tác tại 20 tỉnh, thành và hàng trăm doanh nghiệp tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng; gián tiếp tạo việc làm cho gần 500.000 lao động trong các nhà máy sản xuất thành phẩm./.