Thực thi chính sách

Thừa Thiên-Huế tập trung hoàn thành tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương

Thừa Thiên Huế

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên–Huế trong quá trình đẩy mạnh phát triển toàn diện

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu trả lời phỏng vấn TTXVN nhân dịp đầu năm mới 2023. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

(TTXVN) Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên – Huế trong quá trình đẩy mạnh phát triển toàn diện, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm dần hoàn thiện các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến vào năm 2025.

Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Trường Lưu, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế về vấn đề này.

* Phóng viên: Trước hết, xin cám ơn đồng chí đã nhận lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Xin đồng chí cho biết những điểm sáng nổi bật về bức tranh kinh tế - xã hội trong năm 2022 cùng những mục tiêu, định hướng lớn tỉnh sẽ phấn đấu đạt được trong năm 2023?

* Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu: Năm 2022 là năm bản lề mà tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. 

Trong bối cảnh tỉnh phải chủ động thích ứng với dịch COVID-19 trong tình hình mới; khắc phục những tác động tiêu cực trước diễn biến bất lợi của thiên tai, tình trạng lạm phát…để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực, chủ động của toàn hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2022 tỉnh đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Có 14/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,56%, nằm trong nhóm khá của các địa phương Vùng Duyên hải miền Trung và Bắc Trung Bộ. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. 

Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 12.700  tỷ đồng, tăng 12%. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được tỉnh chỉ đạo quyết liệt và luôn nằm ở vị trí xếp hạng cao toàn quốc.

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ đang từng bước phục hồi. Năm 2022, lần đầu tiên Festival Huế được tổ chức theo hình thức bốn mùa, điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế 2022 được tổ chức thành công vào cuối tháng 6, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.

Đặc biệt, năm 2022, nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đã được tỉnh khởi công, qua đó sẽ góp phần nâng cấp hệ thống giao thông của tỉnh hướng đến hiện đại, đồng bộ như: Dự án cầu Thuận An và đường ven biển, Dự án cầu bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng. 

Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi ngang qua tỉnh cũng vừa được khánh thành, đưa vào khai thác. Cùng với đó, Dự án Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào quý I/2023…

Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên–Huế tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt  9-10%.  

Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững…

* Phóng viên: Bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xin đồng chí cho biết kết quả công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh?

* Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu: Công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện. 

Nổi bật, năm 2022, tỉnh đã triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Công tác tổ chức, cán bộ được triển khai đồng bộ. Tỉnh đã hoàn thành công tác Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định, có hiệu quả. Đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác dân vận. Kịp thời tổ chức phổ biến, quán triệt, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, kết luận, chỉ thị... của Trung ương, Tỉnh ủy; cụ thể hóa Nghị quyết 54 thành các nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát được hoàn thành theo chương trình đề ra. 

Tăng cường khảo sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của cấp ủy cấp trên đối với các đảng ủy xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập hợp quần chúng, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. 

* Phóng viên: Năm 2023 là năm tăng tốc để tỉnh thực hiện các tiêu chí, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 như Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Xin đồng chí chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để hoàn thành các tiêu chí hiện nay; tên gọi cũng như mô hình hành chính của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai?

* Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu: Để phấn đấu cho mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay đã có nhiều thuận lợi, nhiều tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế... đã tiệm cận với quy định.

Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của địa phương thì sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh đạt mục tiêu này. 

Đặc biệt, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị; Nghị quyết 27 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đây là điều kiện hết sức cơ bản, thuận lợi để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, thị xã thuộc thành phố; các phường thuộc quận, thị xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Theo đó, sẽ có hai phương án mô hình đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án một gồm 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện. Phương án hai gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện. 

Về tên gọi của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, hiện nay, tỉnh đang nghiên cứu hai phương án để lấy ý kiến nhân dân là thành phố Huế hoặc thành phố Thừa Thiên – Huế.

Nhân dịp Năm mới 2023 và đón Xuân Quý Mão, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi đến Thông tấn xã Việt Nam, quý bạn đọc gần xa lời chúc mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công; tiếp tục đồng hành, ủng hộ Thừa Thiên - Huế trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

* Phóng viên: Trân trọng cám ơn đồng chí./.

Đỗ Trưởng

Tin liên quan

Xem thêm