Thừa Thiên – Huế: Hoàn thiện đồ án quy hoạch làm động lực cho sự phát triển tương lai
Công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
(TTXVN) Chiều 29/12, Hội thảo “Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án mô hình các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương” đã được UBND tỉnh tổ chức.
với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan.Hiện nay, việc lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thiện báo cáo đầu kỳ và báo cáo giữa kỳ. Hội thảo này nhằm hoàn thiện Báo cáo tổng hợp cuối kỳ quy hoạch tỉnh, sau đó lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân, trước khi gửi lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2023.
Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng: Công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn; là cơ sở để Thừa Thiên - Huế phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị (về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, quá trình tổ chức lập quy hoạch, địa phương kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện; định hình cho từng không gian phát triển để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế với một tầm nhìn mới, góp phần vào sự phát triển, nâng cao vị thế của Thừa Thiên - Huế trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lựa chọn tên gọi của các quận; trong đó đa phần nhất trí với tên gọi là thành phố Huế. Về phương án mô hình thành lập các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra hai phương án: phương án một gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện; phương án hai gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.
Theo đơn vị tư vấn lập quy hoạch, phương án quy hoạch hệ thống đô thị của tỉnh đến năm 2025 khi Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có 3 quận (quận 1, quận 2 tách ra từ thành phố Huế hiện tại và quận Hương Thuỷ); 14 đô thị gồm 2 thị xã (Phong Điền, Hương Trà), 6 thị trấn huyện lỵ và 6 đô thị mới. Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế có 3 quận; 16 đô thị trong đó có thêm thị xã Phú Lộc, đô thị Chân Mây. Đến năm 2050, Thừa Thiên - Huế sẽ có 4 quận, trong đó thêm quận Hương Trà; có thành phố Chân Mây - Lăng Cô, thành phố Phong Điền; 2 thị xã Quảng Điền, Phú Vang; 4 thị trấn thuộc huyện…
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, đồ án quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc dù được chuẩn bị công phu, tuy nhiên lại thiếu các điểm nhấn, các giải pháp đột phá khi địa phương này dự kiến sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Quy hoạch tỉnh là dạng quy hoạch tích hợp nên cần có sự kết nối với các quy hoạch ngành, lĩnh vực và phải làm rõ những trụ cột phát triển chính của Thừa Thiên - Huế trong giai đoạn đến.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thành phố Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai phải vừa bảo tồn di sản văn hóa, nhưng đồng thời phải xây dựng, phát triển những đô thị mới hiện đại, gắn với việc tạo ra công ăn việc làm để nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, trong quy hoạch cần đưa ra giải pháp về cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa tham gia hiện thực hóa quy hoạch, đảm bảo theo cơ chế thị trường.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu ý kiến, dự thảo quy hoạch tỉnh cần làm rõ, nổi bật Thừa Thiên - Huế là đô thị di sản, đô thị hướng biển dựa trên hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Cảng nước sâu Chân Mây, đồng thời phải tính toán đến câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển. Đặc biệt, cần chú trọng đến tính liên kết vùng với thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác bằng những lợi thế riêng có, không phải để cạnh tranh mà bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, với nguồn lực ngân sách hạn chế hiện nay, Thừa Thiên - Huế nên chọn phương án mô hình thành lập đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện; sau đó sẽ tiếp tục phát triển các đô thị Chân Mây - Lăng Cô, đô thị sân bay Phú Bài lên thành quận. Hiện nay, khu vực trung tâm thành phố Huế mới là đô thị sông, quy hoạch của tỉnh phải làm rõ yếu tố đô thị biển làm động lực phát triển cho thành phố trực thuộc Trung ương…
Các ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết tại Hội thảo đã được lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp thu và chỉ đạo đơn vị tư vấn lập quy hoạch bổ sung, làm rõ trong thời gian tới./.
- Từ khóa:
- Quy hoạch
- tỉnh Thừa Thiên – Huế