Xã hội

Sóc Trăng phấn đấu đạt 65% lao động qua đào tạo

Sóc Trăng

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng cần giải quyết việc làm mới cho trên 140.000 người, trong đó trên 100.000 người cần đào tạo, đào tạo lại.

(TTXVN) 

Qua rà soát thực tế nhu cầu đào tạo giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng cần giải quyết việc làm mới cho trên 140.000 người; trong đó trên 100.000 người cần đào tạo, đào tạo lại.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 65% số lao động qua đào tạo; tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%; tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 77.000 người; 25% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp lợi thế của tỉnh…

Để thực hiện mục tiêu này, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng Lục Bích Phúc, tỉnh triển khai các Đề án Nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn; Quy định đơn giá học phí, giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Đề án Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030…

Sóc Trăng tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu; thẩm định hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên: Thành phố Sóc Trăng, huyện Châu Thành, huyện Long Phú; thẩm định hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn đào tạo lái xe Hưng Thịnh…

Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển ngành, nghề trọng điểm; trường Cao đẳng được lựa chọn đầu tư ngành, nghề trọng điểm cấp quốc gia và cấp ASEAN. Trong đó, đầu tư phát triển Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng hướng đến đạt tiêu chuẩn trường chất lượng cao vào cuối năm 2025; đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn. Trên cơ sở đó, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ đào tạo tại các đơn vị này.

Tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp như: Miễn, giảm học phí, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sóc Trăng còn đa dạng hóa nguồn lực trong giáo dục nghề nghiệp theo mô hình tổng hợp, bao gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn lực của các nhà đầu tư; nguồn vốn huy động tài trợ trong, ngoài nước; nguồn lực tự có của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đóng góp của người học nghề, người sử dụng lao động và các nguồn khác; chú trọng các hoạt động về tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động sau giáo dục nghề nghiệp.

Mặt khác, Sóc Trăng tổ chức quản trị, khai thác có hiệu quả Sàn giao dịch việc làm tỉnh, Cổng thông tin điện tử “Người tìm việc - Việc tìm người” để tạo cầu nối cho người lao động với doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp một cách bền vững, hiệu quả.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chính sách về giáo dục nghề nghiệp cho người lao động với nhiều hình thức phù hợp nhằm thu hút thêm nhiều nguồn nhân lực; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng để tăng số lượng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp…/.

Ảnh minh họa
Trần Việt - TTXVN
Nhật Bình

Xem thêm