Sức khỏe

Hệ lụy từ thuốc lá điện tử - Làm thế nào để bảo vệ giới trẻ? - Bài 3: Nỗ lực kéo giới trẻ tránh xa thuốc lá điện tử

Các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp thanh thiếu niên, học sinh nhập viện trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử.

Trong thời gian gần đây, từ khóa “thuốc lá điện tử” xuất hiện rất nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Đây không chỉ là hoạt động thúc đẩy quảng cáo của các công ty thuốc lá mà do nhiều tai nạn, hệ lụy của thuốc lá điện tử gây ra khiến nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong.

Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng

Các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp thanh thiếu niên, học sinh nhập viện do vô tình hay cố ý hút thuốc lá điện tử, nhập viện trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử.

Đó là cô gái 20 tuổi ở Hà Nội, ngay trong lần đầu tiên hút thuốc lá điện tử, đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan… do ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.

Gia đình cô đã mang mẫu lọ dung dịch thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút đến để các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai xác định độc chất. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Viện Pháp y Quốc gia tìm thấy chất cần sa tổng hợp ADB- BUTINACA trong lọ dung dịch, có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc.

Cũng ngay đầu tháng 12/2022 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị cho bé trai 5 tuổi bị ngộ độc ma túy tổng hợp, sau khi tình cờ nhặt và uống khoảng 5 ml dung dịch màu vàng trong lọ thủy tinh của thuốc lá điện tử. Bệnh nhi được đưa vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, các triệu chứng co giật, đồng tử giãn, mạch chậm của trẻ khác biệt, không phù hợp tình trạng ngộ độc do nicotine - chất chủ yếu chứa trong thuốc lá điện tử. Do đó, các bác sĩ tiếp tục xét nghiệm mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu, dung dịch trẻ uống, kết quả dương tính với loại ma túy tổng hợp mới là ADB-BUTINACA.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử. Đáng chú ý là thuốc lá điện tử không chứa nicotine thông thường mà là vỏ bọc ngụy trang để người lớn sử dụng ma túy tổng hợp.

Ảnh minh họa

Đối diện với đại dịch mới: Thuốc lá điện tử và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã thực hiện và phối hợp rất nhiều với các đơn vị liên quan các hoạt động truyền thông, nghiên cứu để nâng cao nhận thức và kiến nghị các đơn vị vào cuộc để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đang ngày càng thâm nhập và đầu độc giới trẻ.

Các hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá Quỹ đã phối hợp với Trung ương Đoàn phát động các cuộc thi sáng tác video clip về phòng, chống tác hại thuốc lá như: Chiến dịch thanh niên nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử; Giải chạy trên ứng dụng điện thoại của thanh niên hưởng ứng môi trường không khói thuốc; Cuộc thi “Học sinh làm phim ngắn về phòng, chống tác hại thuốc lá”, xây dựng và phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá trên các trang Fanpage, Instagram của Foody (ứng dụng phần mềm đặt chỗ tại các nhà hàng)...

Bên cạnh đó, Quỹ cũng xây dựng và phát sóng phim ngắn trên VTV6 dành cho thanh niên. các bạn trẻ thường thích thể hiện bản thân, trải nghiệm những thứ mới lạ mà bạn bè mách bảo nên mắc phải sai lầm là thử hút thuốc, đặc biệt những sản phẩm thuốc lá mới với thiết kế, màu sắc bắt mắt. Thông qua mỗi tập phim, thông điệp về phòng, chống tác hại thuốc lá được truyền tải đến người xem một cách gần gũi, nhẹ nhàng và dễ hiểu, giúp các bạn trẻ có cách ứng xử với hành vi hút thuốc, sự nhầm lẫn và hiểu lầm về tai hại của việc sử dụng thuốc lá để có biện pháp phòng, chống.

Đặc biệt, Quỹ đã phối hợp với Trung ương Đoàn và Tổ chức Y tế toàn cầu Vital Strategies phát động Chiến dịch truyền thông “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”. Chiến dịch có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các tập đoàn thuốc lá đang thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt nhằm vào thanh thiếu niên.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông tại cộng đồng được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng: Truyền thông trực tiếp cho học sinh tại trường học; người dân tại cộng đồng; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại bệnh viện; các cán bộ, người lao động tại các cơ quan, đơn vị; Tổ chức nói chuyện chuyên đề về tác hại của thuốc lá, chia sẻ kinh nghiệm bỏ thuốc lá thành công, các mô hình xây dựng môi trường không khói thuốc tại địa phương...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, với những nỗ lực của Quỹ và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, các bộ, ban, ngành, hội, đoàn thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm tuổi 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh tại nhà giảm từ 47,7% (năm 2014) xuống 24,5% (năm 2022); tại khu vực trong nhà của địa điểm công cộng giảm từ 66,5% xuống 22,2%; tại trường học giảm từ 48,6% xuống 35,7%.

Việc truyền thông về tác hại các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đã được quan tâm và có sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa nội dung tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đối với thế hệ trẻ vào kế hoạch năm học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng.

Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi năm 2019 là 2,6%, năm 2022 là 3,5%. Sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng đáng kể.

Trong thời gian tới, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng; Xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học.

Quỹ tổ chức các chiến dịch, sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng; tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng. Bên cạnh tổ chức cai nghiện thuốc lá, Quỹ xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng và phát triển, nhân rộng các mô hình có hiệu quả…, nhằm ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới Việt Nam không để tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại./.

Thủy Hảo (Hết)

Xem thêm