Sức khỏe

Chuyển đổi số nâng cao năng lực quản lý ngành y tế

TP. Hồ Chí Minh

Chuyển đổi số trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ hướng đến việc kết nối, đặt hàng nghiên cứu khoa học - công nghệ

Người dân quét mã QR đặt lịch hẹn khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Đinh Hằng/TTXVN)

(TTXVN) Chiều 22/12, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cùng Sở Y tế Thành phố tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo “Chuyển đổi số trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2022 - 2025, giải quyết một trong những bài toán lớn theo yêu cầu của thành phố góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành Y tế là một trong những hoạt động quan trọng và không thể thiếu nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chịu sự chi phối của nhiều quy định như: Luật Khoa học và công nghệ, Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược cùng nhiều thông tư, nghị định, quyết định khác.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 12 bệnh viện bộ, ngành; 32 bệnh viện thành phố; 19 bệnh viện quận, huyện, thành phố Thủ Đức; 66 bệnh viện tư nhân và 22 Trung tâm Y tế quận huyện, thành phố Thủ Đức. Hằng năm, số lượng các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ khoa học công nghệ của đơn vị triển khai thực hiện khá nhiều.

Do vậy, chuyển đổi số trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến việc kết nối, đặt hàng nghiên cứu khoa học - công nghệ với các tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết những những khó khăn trong việc quản lý, giám sát các hoạt động khoa học công nghệ ngành Y tế góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.

Đây là một trong những phần quan trọng trong đánh giá năng lực ngành Y tế để có những chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ người dân một cách tốt nhất; giúp giảm tải nhiều áp lực cho người làm công tác quản lý trong hoạt động này. Chuyển đổi số y tế cũng là một trong 8 ưu tiên hàng đầu của chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua, các đơn vị y tế đã sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ người bệnh giúp cải thiện bộ mặt ngành Y tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế Thành phố vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tầm vóc của một địa phương năng động, sáng tạo nhất cả nước.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quản trị và điều hành khu vực công, nhất là ngành y, ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá nhất là công nghệ số.

Ông Võ Hưng Sơn cũng chia sẻ thực trạng hoạt động tại khu vực công hiện nay có khối công việc rất lớn, phức tạp, liên quan nhiều bộ phận; yêu cầu của người dân và doanh nghiệp ngày càng nhanh, chính xác, đơn giản, minh bạch, trong khi nguồn lực về con người, trang thiết bị, kinh phí luôn hạn chế. Do vậy chỉ có phát triển công nghệ mới đủ để đáp ứng hay giải quyết được các nhu cầu của xã hội; chuyển đổi số trong khu vực công là xây dựng cơ sở dữ liệu mới; quy trình mới (tự động, nội bộ, liên thông...) hay dịch vụ công mới.

Cùng quan điểm, ông Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế cũng chỉ ra những khó khăn, thực trạng hoạt động khoa học công nghệ của ngành Y tế Thành phố. Trong đó, chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý thống nhất trong ngành; khi thực hiện công tác báo cáo thì gần như phải làm lại từ đầu; nhân sự làm công tác quản lý nghiên cứu khoa học vừa thiếu lại thường thay đổi; các biểu mẫu thường không thống nhất, mỗi đơn vị có thể có các thiết kế riêng…

Theo ông Bùi Nguyễn Thành Long, chuyển đổi số trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ ngành Y tế chính là xây dựng mô hình quản lý thông tin, thu thập dữ liệu, xử lý đầu vào - ra. Đồng thời thực hiện chia sẻ thông tin dữ liệu thông qua chia sẻ quyền quản lý số liệu với đơn vị và các cơ quan quản lý, phân cấp phân quyền cho từng cá nhân tham gia quản lý, giữa các Hội đồng đạo đức, chia sẻ giữa đơn vị với cơ quan quản lý và giữa các cơ sở y tế trong ngành, các mức độ chia sẻ từ cơ bản đến nâng cao...

Tại sự kiện, các đại biểu nhìn nhận chuyển đổi số trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ ngành Y tế Thành phố sẽ giúp kết nối dữ liệu với các Hội chuyên ngành, kết nối dữ liệu với các tỉnh, thành phố khác, kết nối dữ liệu với các trường đại học, với các chuyên ngành khác; đồng thời tăng khả năng lưu trữ dữ liệu, số hóa các dữ liệu, tích hợp lưu trữ.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc chuyển đổi số trong quản lý nói riêng hay chuyển đổi số ngành Y nói chung sẽ giúp người bệnh thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; giúp thầy thuốc dễ dàng tiếp cận được các kiến thức khoa học, kỹ thuật mới; đồng thời giúp cơ quan quản lý y tế thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân.../.

Thanh Vũ

Tin liên quan

Xem thêm