Sức khỏe

Đề xuất giải pháp phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng

Thời gian qua, có hiện tượng thực phẩm chức năng có chất cấm, chất độc hại trong sản phẩm, khiến người tiêu dùng tiền mất tật mang, dư luận bức xúc.

(TTXVN) Ngày 20/12, tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và Báo điện tử VTC News tổ chức hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng".

Sau 20 năm phát triển, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam phát triển nhanh, số lượng sản phẩm đăng ký mới hàng năm có thể lên tới con số chục nghìn, trên 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VTC

Tuy nhiên, thời gian qua, có hiện tượng sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm. Nhà sản xuất còn vì lợi nhuận mà cho thêm chất cấm, chất độc hại vào trong sản phẩm.

Mặt khác, trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm đến tính mạng, tiền mất tật mang, khiến dư luận bức xúc.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, thời gian vừa qua, thực phẩm chức năng đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng, hoàn thiện thể chế, hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm chức năng làm sao cho đúng với tác dụng và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Thứ trưởng Bộ Y tế hy vọng, hội thảo là dịp tuyên truyền để người dân trong cả nước hiểu đúng, từ đó sử dụng thực phẩm chức năng theo đúng hướng dẫn, tránh bị lạm dụng thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị. Đồng thời để các cơ quan chức năng tham mưu và đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện thể chế quản lý thực phẩm chức năng, từ đó đưa ra các giải pháp quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng đúng quy định, tránh việc người dân hiểu nhầm thực phẩm chức năng giống như thuốc chữa bệnh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Việt Nam có lợi thế lớn phát triển thực phẩm chức năng, trên cơ sở tận dụng nguyên liệu tự nhiên do ông cha ta nhiều năm nghiên cứu, từ bài thuốc đông y, các nhà khoa học đã kết hợp, chiết xuất, tách chiết để tạo ra sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ. Nhiều doanh nghiệp, công ty đầu tư nhà máy hiện đại về thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo.

Các đại biểu thảo luận bàn tròn, trả lời câu hỏi từ người tham dự hội thảo. Ảnh VTC

“Thời gian qua tồn tại nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Theo Luật quy định, các đơn vị chỉ được quảng cáo thực phẩm chức năng những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để quảng cáo thực phẩm chức năng. Điều này là vi phạm pháp luật, cần được xử lý”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chia sẻ, nếu như trước đây, thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng sản xuất trong nước chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ hiện nay đã thành quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, các sản phẩm thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài, đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương tham luận tại hội thảo

Để giải quyết tình trạng này, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có sự đồng lòng, chung tay góp sức trong hoạt động chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng. Hiệp hội phải là đầu mối quy tụ doanh nghiệp, người tiêu dùng phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng.

“Cần phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường”, ông Nguyễn Đức Lê đề xuất.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng. Khi phát hiện thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng, mỗi người dân đều có trách nhiệm phản ánh ngay đến lực lượng Quản lý thị trường để tiếp nhận và xử lý kịp thời./.

Bích Thủy

Xem thêm