Từ lúc được chẩn đoán mắc bệnh phổi kẽ, thời gian sống thêm trung bình của bệnh nhân rất ngắn, 50% bệnh nhân sống thêm khoảng 2,5 năm và 20% bệnh nhân sống thêm 5 năm
(TTXVN) Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến giới thiệu Chương trình bệnh phổi kẽ, nhằm huy động sự tham gia của các chuyên gia trong nước, quốc tế; huy động nguồn lực, cơ chế hợp tác phát triển kỹ thuật hiện đại, xây dựng mạng lưới để người dân tiếp cận thuận lợi, hiệu quả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình cho biết, bệnh phổi kẽ gây ra các tổn thương ở mô kẽ của phổi. Các tổn thương viêm, xơ dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây khó thở. Bệnh tiến triển thành xơ phổi, là tổn thương không thể hồi phục.
“Bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ tiên lượng rất xấu, thời gian sống ngắn hơn cả bệnh ung thư nếu phát hiện muộn. Từ lúc được chẩn đoán mắc bệnh phổi kẽ, thời gian sống thêm trung bình của bệnh nhân rất ngắn, 50% bệnh nhân sống thêm khoảng 2,5 năm và 20% bệnh nhân sống thêm 5 năm. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển ác tính hơn. Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, một người phát hiện ung thư phổi sớm, từ giai đoạn 1, được điều trị hiệu quả, tỷ lệ sống trên 5 năm là 80%, có những trường hợp dù được phát hiện ở giai đoạn muộn nhưng cũng có thể sống trên 3 năm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung thông tin.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Chương trình Bệnh phổi kẽ là một cơ chế điều phối mang tính chuyên môn, có chức năng xây dựng quy trình chuyên môn và quản lý bệnh phổi kẽ các tuyến dựa trên mạng lưới chống lao và bệnh phổi; xây dựng hướng dẫn đào tạo, chuyển giao công nghệ có mạng lưới bệnh phổi kẽ trên phạm vi toàn quốc; thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị bệnh phổi kẽ tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận bệnh phổi kẽ để đánh giá gánh nặng bệnh phổi kẽ tại Việt Nam…
Bệnh phổi kẽ là tên gọi chung của một nhóm hơn 200 bệnh gây tổn thương tổ chức kẽ của phổi (vách phế nang, tổ chức kẽ liên phế nang, mạch máu phổi…). Một số bệnh phổi kẽ nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương phổi có thể không hồi phục và tiến triển thành mãn tính, gây xơ phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, cuộc sống của người bệnh.
Bệnh phổi kẽ không phải là bệnh mới xuất hiện, nhưng là căn bệnh không lây nhiễm nên nó ít được quan tâm, chú ý trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo thống kê của Mỹ và châu Âu, bệnh phổi kẽ có tỷ lệ mắc 70 người/100.000 dân. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng có thể ước tính khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ.
“Đây là căn bệnh khó chẩn đoán, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ đều bị chẩn đoán nhầm ít nhất 1 lần”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung thông tin.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho biết, triệu chứng của bệnh phổi kẽ là khó thở. Tuy nhiên, đây là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh đường hô hấp như COPD, hen, viêm phổi… Khi khó thở không rõ nguyên nhân hoặc đã loại trừ những căn bệnh gây khó thở, người bác sĩ cần nghĩ tới bệnh phổi kẽ. Ở giai đoạn sớm, việc phát hiện bệnh phổi kẽ bằng các chẩn đoán hình ảnh rất hiệu quả…
Đối tượng mắc bệnh phổi kẽ rất đa dạng. Trẻ em cũng có thể mắc bệnh phổi kẽ như xơ nang phổi. Bệnh thường xuất hiện nhiều ở người lớn từ 40 tuổi trở lên. Đặc biệt, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh. Người bệnh nặng có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng khó thở, như chết đuối trên cạn.
Hiện, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương điều trị cho từ 70 - 100 bệnh nhân/ngày. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6 -7% tổng số bệnh nhân trong khoa.
Từ năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thành lập Hội đồng đa chuyên khoa cho bệnh phổi Kẽ. Tại khoa Hô hấp, mỗi bệnh nhân được làm một bệnh án đưa ra Hội đồng đa chuyên khoa gồm các chuyên gia đến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Tâm Anh... để đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Sau đó, mỗi bệnh án đều được đưa vào hệ thống lưu trữ thông tin để theo dõi. Đến nay, Hội đồng đã hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho một số lượng lớn các bệnh nhân từ nhiều cơ sở y tế thông qua cơ chế phối hợp hiệu quả.
Chương trình bệnh phổi kẽ ra đời, đáp ứng nhu cầu điều trị đúng và hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này. Đây là một cơ chế điều phối chuyên môn sẽ huy động được nhiều chuyên gia ở nhiều bệnh viện với mục đích làm thế nào để người bệnh tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại ở ngay trong nước để điều trị bệnh phổi kẽ. Với Chương trình bệnh phổi kẽ, cùng với mạng lưới lao bệnh phổi, các bác sĩ ở các địa phương sẽ được cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật về bệnh phổi kẽ để phục vụ người dân ngay tại địa phương./.