Mục tiêu năm 2023 của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên là tiếp tục đẩy lùi sốt rét, ngăn chặn dịch quay lại và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét.
(TTXVN) Ngày 20/12, tại thành phố Huế, Thừa Thiên-Huế, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn tổ chức tổng kết công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2022.
Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương Hoàng Đình Cảnh cho biết, từ đầu năm đến tuần thứ 51 năm 2022 đã phát hiện 286 trường hợp mắc sốt rét và 26 ổ bệnh tại miền Trung-Tây Nguyên. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên có số ca mắc sốt rét cao nhất cả nước với 218 trường hợp, chiếm 49,55%. Gia Lai là một trong các địa phương có sốt rét lưu hành nặng so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Hoàng Đình Cảnh đề nghị, các địa phương của khu vực miền Trung-Tây Nguyên cần đánh giá, đề xuất đề án đảm bảo nguồn lực dự phòng đồng thời có cơ sở đề nghị tài trợ từ ngân sách tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng, chống, loại trừ sốt rét. Điều quan trọng nhất là duy trì kết quả phòng, chống và quyết tâm loại trừ sốt rét vào năm 2030 theo Chiến lược phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 bằng những kế hoạch, hành động cụ thể.
Mục tiêu năm 2023 của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên là tiếp tục đẩy lùi sốt rét, tập trung cho những vùng sốt rét lưu hành nặng, sốt rét kháng thuốc và các đối tượng nguy cơ cao; củng cố các yếu tố bền vững, ngăn chặn sốt rét quay trở lại và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét. Đồng thời, phấn đấu khống chế tỷ lệ tử vong do sốt rét xuống dưới 0,011/100.000 dân; giảm tỷ lệ mắc sốt rét xuống dưới 0,02/1.000 dân và không để dịch sốt rét lớn xảy ra.
Để đạt được những mục tiêu trên, khu vực sẽ tập trung rà soát xác định mục tiêu, lộ trình loại trừ sốt rét phù hợp với từng địa phương; thực hiện biện pháp phòng, chống hiệu quả tại các vùng trọng điểm sốt rét, vùng có dân di biến động; tăng cường chẩn đoán điều trị sốt rét ở các tuyến và tăng cường hệ thống giám sát, báo cáo trường hợp bệnh sốt rét bằng phần mềm thông tin báo cáo sốt rét eCDS-MMS tại các tuyến.
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên luôn được xem là khu vực trọng điểm sốt rét của cả nước. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả phòng, chống và loại trừ sốt rét của khu vực đã được những kết quả đáng ghi nhận, thiệt hại do bệnh được hạn chế đến mức thấp nhất. Cụ thể, số trường hợp mắc sốt rét được phát hiện trong 11 tháng đầu năm 2022 tại đây giảm 17 ca so với cùng kỳ năm 2021 và không có trường hợp sốt rét ác tính hay xảy ra tử vong.
Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã phối hợp các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều đoàn giám sát dịch tễ sốt rét tại các vùng trọng điểm, nguy cơ cao và thực hiện các giám sát sốt rét nhằm khống chế gia tăng số trường hợp nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum tại các xã thuộc huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Nhờ sự hỗ trợ của Dự án RAI3E (Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin” do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ), các huyện nguy cơ cao tại Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên được giám sát trọng điểm trong các mùa cao điểm. Ngoài ra, các địa phương trong khu vực đã chỉ đạo các tuyến xây dựng hệ thống dự báo dịch sớm, bước đầu phát huy vai trò trong công tác giám sát dịch tễ.
Dịp này, tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận Quyết định của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương công nhận đạt Tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn tỉnh. Như vậy, Thừa Thiên-Huế là địa phương thứ 2 trong khu vực miền Trung-Tây Nguyện được công nhận tiêu chí này, sau thành phố Đà Nẵng (năm 2019)./.