Với vai trò vùng kinh tế trọng điểm, Đồng bằng sông Cửu Long phải nỗ lực chuyển mình để thích ứng với xu thế chuyển đổi số một cách hiệu quả.
(TTXVN) Ngày 9/12, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số - Từ lý luận đến thực tiễn ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Phát biểu đề dẫn, Giáo sư, Tiến sỹ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh: Những năm gần đây, khi Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, công cuộc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển quốc gia, của các doanh nghiệp, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyển đổi số trở thành cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi các các quốc gia trên thế giới phải nghiên cứu, thích ứng kịp thời để đưa đất nước phát triển trong tình hình mới.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”... Chuyển đổi số phải tập trung vào 3 trụ cột: chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Với vai trò là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, Đồng bằng sông Cửu Long phải nỗ lực chuyển mình để thích ứng với xu thế chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Hoàng Anh Quốc (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Vùng cần tận dụng tốt các nguồn lực nội sinh và hiện thực hóa các giá trị bản địa. Nhằm duy trì hiệu quả tốt nhất của động lực đổi mới sáng tạo, cần hiểu về những giá trị cốt lõi và có các ưu tiên chính sách trong khuôn khổ khoa học chính trị, kinh tế và quản trị, đồng thời khuyến khích sự hài hòa, cân đối về quyền lợi giữa các thế hệ, giữa thành thị và nông thôn, miền núi, ven biển, hải đảo; công bằng và minh bạch, giữa tiếp cận công và quyền riêng tư. Các chủ thể tham gia vào nền kinh tế đổi mới sáng tạo, nền kinh tế số (là công dân số, doanh nhân số, cán bộ số) phải học tập suốt đời về kiến thức lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn, góp phần hình thành một xã hội số (xã hội chia sẻ thông tin, tri thức, nguồn lực)…
Nhận định về xây dựng chính quyền thông minh trong bức tranh chung về chuyển đổi số vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng (Học viện Chính trị khu vực 4) nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư hạ tầng kết cấu thông minh, các dịch vụ chính quyền thông minh; phát triển trung tâm điều hành chính quyền thông minh; đào tạo nguồn nhân lực làm chủ được công nghệ…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Sỹ Phán (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị và nhân dân để huy động được sức mạnh tập thể. Ông Trần Sỹ Phán khẳng định và đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người dân trong chuyển đổi số. Trong đó, người dân là trung tâm ứng dụng, tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động. Người dân là trung tâm hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa và các giá trị đạo đức căn bản của con người. Người dân là trung tâm của chủ quyền số quốc gia, là trung tâm thụ hưởng những thành quả do chuyển đổi số mang lại, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, y tế, lao động việc làm, bảo hiểm xã hội…
Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyến nghị các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình phát triển hạ tầng số, cụ thể là mạng 5G ở các địa phương. Song song đó là sự phối hợp chặt chẽ với Trung ương để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn quốc…/.