Cần Thơ xác định chuyển đổi số gắn với đô thị thông minh. Trong đó, nguồn nhân lực số đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và khẳng định tính hiệu quả chuyển đổi số của thành phố.
(TTXVN) Ngày 19/12, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số".
Tại Hội thảo, các chuyên gia đề xuất nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho Cần Thơ nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, tạo cơ hội chuyển đổi mạnh mẽ chưa từng có cho các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên khẳng định vai trò, năng lực, trình độ của mình khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp hoạt động của Chính phủ, của các quốc gia hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn.
Chuyển đổi số là sự dịch chuyển toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội từ môi trường thực sang môi trường số trên cơ sở đảm bảo ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số tăng hiệu quả quản lý và tính minh bạch của Chính phủ; kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới; xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, ở cấp độ Chính phủ, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, thành phố Cần Thơ nỗ lực triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số. Thành phố xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, xoay quanh 9 lĩnh vực ưu tiên như Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Năng lượng...
Cần Thơ xác định chuyển đổi số gắn với đô thị thông minh. Trong đó, nguồn nhân lực số đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và khẳng định tính hiệu quả chuyển đổi số của thành phố.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng số, theo ông Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng Phòng Chính sách, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, trước hết cần xác định đó là nhóm các đối tượng gồm người dùng, cán bộ công chức, nhân lực IT. Nhóm người dùng cần được trang bị kỹ năng số để khai thác sử dụng an toàn các dịch vụ số. Cán bộ công chức phải có kỹ năng vận hành, sử dụng công cụ, nền tảng số, phân tích dữ liệu số… Nhân lực IT đủ khả năng phát triển, quản lý, duy trì, vận hành hạ tầng, nền tảng, dữ liệu.
Để nâng cao kỹ năng cho nhóm người dùng cần đẩy mạnh hoạt động mô hình "Tổ công nghệ số cộng đồng" nhằm bồi dưỡng, phát triển kỹ năng số cho nhóm lớn cộng đồng người dùng. Cán bộ, công chức, các địa phương cần có lộ trình bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu trên môi trường số. Đồng thời, cần có chính sách thu hút nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực số, thông qua sự hỗ trợ về đào tạo, gia tăng thu nhập đủ hấp dẫn…
Về triển khai hiệu quả mô hình đô thị thông minh, theo các đại biểu, cần đầu tư có trọng điểm cho Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) - trung tâm chịu trách nhiệm ra quyết định, cảnh báo, quản trị và chỉ huy. Đây là hệ thống công nghệ thông tin có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.
Do đó, để IOC vận hành hiệu quả, các địa phương cần xây dựng cơ sở số đồng bộ gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, điện thoại thông minh, nền tảng điện toán đám mây, danh tính số, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, khối chuỗi, an ninh mạng…/.