Khoa học

Kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số ở Thái Bình

Thái Bình

Chuyển đổi số đã và đang thâm nhập ngày càng sâu rộng trên toàn tỉnh Thái Bình, bước đầu đạt những kết quả khả quan.

(Ảnh minh họa: Nguyễn Chinh/TTXVN)

(TTXVN) Tỉnh Thái Bình luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số. Từ cuối năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về chuyển đổi số. UBND tỉnh phê duyệt Đề án về chuyển đổi số. Các sở, ngành, địa phương đều nỗ lực thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành, địa phương mình. Đến nay, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt những kết quả khả quan.

Về xã hội số, Thái Bình có trên 80% người trưởng thành dùng điện thoại di động thông minh. Việc học tập, phổ biến, tìm hiểu kiến thức thông tin qua mạng internet khá phổ biến, nguồn học liệu mở phong phú. Các hộ đều có thể tiếp cận dịch vụ internet tốc độ cao. Tỉnh triển khai hệ thống camera thông minh giám sát giao thông ở 5 điểm cửa ngõ ra vào tỉnh, 6 nút giao thông trọng yếu tại địa bàn thành phố Thái Bình. Năm 2023, tỉnh lắp đặt thêm ở 4 vị trí giao thông phức tạp khác...

Các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố đã thành lập 1.500 tổ công nghệ số hỗ trợ cộng đồng với 12.000 thành viên. Từ tháng 11/2022, ứng dụng Công dân số tỉnh Thái Bình được triển khai, giúp chính quyền gần với người dân hơn. Toàn tỉnh hiện có 1,4 triệu tài khoản ngân hàng số và 1,4 triệu thẻ thanh toán các loại. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bước đầu phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Thái Bình thu nhận được 98,1% hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip/211.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.

Về kinh tế số, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã áp dụng sản xuất tự động, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành sản xuất, hỗ trợ kinh doanh. Tỉnh đã triển khai 100% hóa đơn điện tử đến các doanh nghiệp. Kênh Zalo "Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp" phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được chào bán trên sàn thương mại điện tử. Hầu hết các cửa hàng, siêu thị triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR...

Về chính quyền số, văn bản điện tử ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được sử dụng, phổ biến thường xuyên, liên thông trao đổi qua mạng internet với cơ quan Trung ương và thành phố khác. Việc điều hành công việc qua mạng trở nên phổ biến trong cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện. Dịch vụ công trực tuyến đạt và vượt yêu cầu của Chính phủ đề ra với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt trên 50%, tỷ lệ xử lý trực tuyến đạt trên 30%...

Tỉnh triển khai nhiều cuộc họp trực tuyến thông suốt từ Chính phủ đến tỉnh, huyện và xã. Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 25 sở, ngành, 8 huyện, thành phố cùng 260 xã, phường, thị trấn thường xuyên phản ánh thông tin mọi mặt đời sống trên không gian mạng. Các cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, quy hoạch, du lịch, giao thông... đã cung cấp thông tin kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh.

Đặc biệt, trong công tác Đảng, Thái Bình là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử tới 100% chi bộ, được nhiều địa phương đến nghiên cứu, học tập. Tháng 8/2022, phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tỉnh Thái Bình giới thiệu là một trong những giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu của Việt Nam cho lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương của nước Cộng hòa Cuba.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình Đỗ Như Lâm cho rằng, chuyển đổi số đã và đang thâm nhập ngày càng sâu rộng trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, ứng dụng chuyển đổi số chưa được sử dụng phổ biến trong nhân dân. Kinh tế số chưa có đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế của tỉnh. Sản phẩm nông nghiệp được giao dịch thành công trên sàn thương mại điện tử chưa nhiều. Dữ liệu số trong cơ quan nhà nước chưa có nhiều. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến còn thấp...

Để đẩy mạnh chuyển đổi số những năm tới, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất, về xã hội số, tăng cường tuyên truyền về chuyển đổi số trong cộng đồng dân cư với nòng cốt là lực lượng thành viên Tổ công nghệ số hỗ trợ cộng đồng tại thôn, tổ dân phố, đồng thời phát huy vai trò tiên phong của lực lượng Đoàn Thanh niên. Ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý dạy học và số hóa tài liệu, giáo trình; tận dụng kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân phát triển thành cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội; ứng dụng công nghệ số tại cơ sở khám chữa bệnh, góp phần cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Đối với kinh tế số, các lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, ngân hàng... đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm. Cùng với đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư doanh nghiệp lớn, công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn chuyển đổi số từng phần trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Đối với chính quyền số, điều hành dựa trên dữ liệu số theo thời gian thực, từng bước hình thành dữ liệu lớn của từng ngành; sử dụng công nghệ số trong giám sát trật tự an ninh, giao thông, hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên mạng xã hội.../.

Sơn Hải

Xem thêm