Sóc Trăng xác định và tập trung phát triển, nâng chất các sản phẩm đã được đánh giá; hỗ trợ tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm; thực hiện xúc tiến thương mại điện tử để bán sản phẩm .
(TTXVN) Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng có bước tiến mới về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Số lượng hợp đồng liên kết tăng thêm từ 10 - 30% so với trước khi chứng nhận sản phẩm OCOP; thị hiếu của người dân đối với các sản phẩm đã có chứng nhận cao hơn so với các sản phẩm tiên tiến khác.
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam tại Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2019 – 2022 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2023 – 2025.
Ông Vương Quốc Nam cũng cho biết, để Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo, cơ quan tham mưu giúp việc, bố trí cán bộ chuyên trách cấp tỉnh; ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp điều kiện của địa phương.
Tỉnh đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép Chương trình OCOP với thực hiện Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về OCOP như tuyên truyền đến các cộng đồng hỗ trợ đăng ký, đánh giá, xây dựng Website về OCOP tỉnh...
Tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý và chủ thể tham gia Chương trình OCOP; hội nghị đối tác OCOP để kết nối chuỗi giá trị đầu vào, tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phấn đầu hoàn thành các mục tiêu đề án đã đề ra.
Mặt khác, Sóc Trăng xác định và tập trung phát triển, nâng chất các sản phẩm đã được đánh giá; hỗ trợ tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm; thực hiện xúc tiến thương mại điện tử để bán sản phẩm OCOP. Cùng với đó, phát triển thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường đối với các sản phẩm OCOP Sóc Trăng; hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu vực đông dân cư, khu vực phát triển du lịch, các trung tâm thương mại; đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức, đặc biệt là đối với các sản phẩm được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Đáng, giai đoạn 2023 - 2025, Sóc Trăng phấn đấu có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; củng cố và nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại…
Để đạt được kế quả này, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, điều chỉnh bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo hướng gọn, nhẹ nhưng vẫn tuân thủ các quy định về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Trong các hướng dẫn phân bổ vốn Chương trình nông thôn mới hàng năm, đề nghị Bộ nêu rõ tỷ lệ vốn dành triển khai Chương trình OCOP để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo hoàn thành mục tiêu.
Sau 4 năm (2019 - 2022), Sóc Trăng có 189 sản phẩm OCOP được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 169 sản phẩm hạng 3 sao của 102 chủ thể.
Tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể về công nghệ, trang thiết bị máy móc cho 18 sản phẩm; hỗ trợ chất lượng, chứng nhận chất lượng cho 62 sản phẩm, hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì nhãn mác cho 63 sản phẩm; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho 81 sản phẩm; xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị cho 18 sản phẩm; xây dựng website, thương mại điện tử cho 53 sản phẩm…
Dịp này, UBND tỉnh Sóc Trăng đã trao Chứng nhận chứng nhận 3 sao trở lên cho 53 sản phẩm./.