Năm 2023, tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ cao, thương mại điện tử
(TTXVN) Theo đó, Bắc Giang xây dựng Quy chế tích hợp, kết nối, liên thông phục vụ chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường, xây dựng các chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ cao, thương mại điện tử… thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số.
Tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông mở rộng, nâng cao chất lượng đường Internet cáp quang băng rộng; phủ sóng di động trên địa bàn tỉnh. Tỉnh thực hiện khai thác hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) giai đoạn 1; tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.
Năm 2023, Bắc Giang tập trung nâng cấp, phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); duy trì và sử dụng các nền tảng đã triển khai phục vụ công tác khám chữa bệnh và chỉ đạo điều hành như: Quản lý tiêm chủng, hồ sơ sức khỏe điện tử, hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, trạm y tế xã (y tế cơ sở), quản lý xét nghiệm, ứng dụng giải pháp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế tại các cơ sở khám bệnh, trung tâm điều hành y tế; thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền tại các cơ sở y tế.
Năm 2023, tỉnh sẽ cập nhật dữ liệu của tỉnh lên các nền tảng dữ liệu số tài nguyên và môi trường của quốc gia, phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh như: Dữ liệu thông tin đất đai; dữ liệu thông tin bản đồ, không gian địa lý, viễn thám; dữ liệu môi trường; dữ liệu địa chất, khoáng sản; thông tin thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu; dữ liệu thông tin tài nguyên nước.
Ngoài ra, Bắc Giang tiếp nhận, kế thừa, sử dụng các cơ sở dữ liệu đã được Trung ương đầu tư, xây dựng (các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tư pháp, tài chính, bảo hiểm...); nâng cấp, phát triển cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 đảm bảo phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh…
Hiện nay, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh đã được đầu tư xây dựng, nhờ đó cung cấp cơ sở dữ liệu, thông tin tổng hợp chung và chi tiết về lĩnh vực chuyên môn của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc phục vụ sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp trên địa bàn toàn tỉnh được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Từ ngày 1/6/2022, 100% các sở, cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Bắc Giang đã thực hiện số hóa tại chỗ. Đến nay, có tổng số 18.454 hồ sơ được tiếp nhận và số hóa tại đây.
Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh Bắc Giang đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 11 cơ sở dữ liệu chuyên ngành về: Bảo hiểm; thuế; sổ sức khỏe điện tử; hộ tịch; an sinh xã hội; điện lực; giáo dục; thông tin truyền thông; văn phòng; giấy phép lái xe; đăng ký doanh nghiệp.
Đến ngày 25/10/2022, Công an tỉnh Bắc Giang đã thu nhận được gần 1,6 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân, nhận về trên 1,46 triệu thẻ căn cước công dân, kịp thời trả cho công dân trên 1,4 triệu thẻ căn cước công dân. Công an tỉnh đã thu nhận trên 294 nghìn (đạt 74%) hồ sơ cấp định danh điện tử theo chỉ tiêu của Bộ Công an giao năm 2022.
Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang tiếp tục duy trì, phát triển các hệ thống thông tin dùng chung, phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành và chuyên ngành như: Hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc, ký số; hệ thống thư công vụ; hệ thống Cổng thông tin điện tử; hệ thống Phòng họp không giấy tờ; phần mềm theo dõi ý kiến chỉ đạo điều hành; phần mềm số hóa, bản đồ hóa hệ thống thông tin cơ bản của tỉnh; hệ thống thông tin báo cáo tỉnh..../.
Việt Hùng