Khoa học

Thách thức trong công tác phòng, chống hàng giả trên môi trường số

TP. Hồ Chí Minh

Kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử đã trở thành một kênh mua sắm dễ tiếp cận, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cùng với đó, công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái đứng trước nhiều thách thức mới.

Hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả”. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

(TTXVN) Kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử đã trở thành một kênh mua sắm dễ tiếp cận, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cùng với đó, công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái đứng trước nhiều thách thức mới. Vấn đề này được nêu ra tại Hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Hội Sáng chế Việt Nam và Công ty Vina CHG tổ chức sáng 9/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Huy Anh, Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại Cục Sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử là loại hình kinh doanh tiên tiến, xu thế phát triển không thể đảo ngược. Đây là kênh thương mại thuận lợi để chủ thể quyền tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.       

Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, thời gian tới, có khoảng 50% các vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ diễn ra trên môi trường internet, cụ thể là thương mại điện tử. Công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái đứng trước nhiều thách thức mới, từ cách tiếp cận vấn đề, xây dựng hàng lang pháp lý, chính sách cho đến biện pháp điều tra, xử lý vi phạm.

Những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 30 - 35% mỗi năm, riêng năm 2021 đạt khoảng 13,7 tỷ USD. Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nguyên nhân khó khăn trong xử lý là do các đối tượng này không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ bán online qua mạng xã hội, không địa chỉ, giao qua xe ôm hoặc giao từ địa điểm khác. Họ phân tán hàng hóa nhiều nơi và chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng…

Cùng góc nhìn này, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam chia sẻ, thực tế hiện nay nhiều sản phẩm quảng cáo hàng hóa trên mạng thì rất đẹp, nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại không phải như vậy. Đối với những sản phẩm cao cấp như mỹ phẩm, đồ da hay đồng hồ thương hiệu lớn... nếu bán với giá vài trăm ngàn thì chắc chắn là hàng giả.

Để tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số, các đại biểu cho rằng, cần kiện toàn hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thực thi cùng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong kiểm soát hàng giả ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu. Hoàn thiện cơ chế ràng buộc trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử đối với hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Lê Huy Anh, công tác giám sát về sở hữu trí tuệ đối với các sàn thương mại điện tử còn chưa thực sự hiệu quả. Việc áp dụng biện pháp chặn đối với các trang web thương mại điện tử có hành vi xâm phạm còn chậm. Do vậy, cần tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ, cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và chủ sàn thương mại điện tử, rà soát đầu vào và nhanh chóng gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ra khỏi các sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, nhiều đơn vị đã xây dựng hệ sinh thái công nghệ về chống hàng giả để doanh nghiệp có thể ứng dụng như tích hợp các công nghệ chống giả trên tem - bao bì; mã QR code và SMS (cấp mã QR in trên bao bì, tem chống giả); chống sao chép, làm giả/nhái sản phẩm… Theo Đại diện Công ty Vina CHG, các công nghệ từ những hệ sinh thái này sẽ giúp truy xuất và chống giả hiệu quả. Điều này giúp truy vết thông tin, kiểm soát đường đi của hàng hóa giúp chống giả hiệu quả hơn. Ngoài ra, hệ thống chạy trên điện toán đám mây, nên tra cứu thông tin và giám sát từ xa một cách dễ dàng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của mình với việc thiết lập các kênh phân phối chính thức, ổn định, thuận tiện, đặc biệt chú trọng các kênh thương mại điện tử, để người tiêu dùng dễ tiếp cận. Đồng thời, thiết lập các kênh giám sát thị trường, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, sàn thương mại điện tử để đối phó có hiệu quả với các hành vi giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng./.

Tiến Lực

Tin liên quan

Xem thêm