Khoa học

Chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất thanh long tại Bình Thuận

Bình Thuận

Bình Thuận là vùng sản xuất thanh long chủ yếu với diện tích khoảng 29.000 ha, do đó đã được chọn thí điểm thực hiện chuyển đổi số đối với sản phẩm thanh long.

Trồng thanh long tại Bình Thuận. Ảnh: TTXVN

(TTXVN 2/12) Hội thảo "Giải pháp chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long tại tỉnh Bình Thuận" diễn ra ngày 2/12. Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận tổ chức.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, "Giải pháp chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long tại tỉnh Bình Thuận" là một phần của Dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các-bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC (cam kết do quốc gia tự quyết định) của Việt Nam" do Bộ phối hợp với UNDP thực hiện tại Bình Thuận (thanh long) và Bạc Liêu (con tôm) nhằm thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào quá trình thực hiện NDC của Việt Nam.

Trong số 15 loại cây ăn quả tại Việt Nam có diện tích lớn nhất (trên 20.000 ha/loại), thanh long - loại cây ăn quả có tổng diện tích trồng toàn quốc khoảng 60.000 ha (chỉ chiếm 5%) nhưng lại là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất (chiếm 36%). Vùng sản xuất thanh long chủ yếu là Bình Thuận với diện tích năm 2022 khoảng 29.000 ha. Do đó, Bình thuận là tỉnh được chọn thí điểm của dự án chuyển đổi số đối với sản phẩm thanh long.

Một trong những nội dung quan trọng của dự án thực hiện tại Bình Thuận là hỗ trợ triển khai giải pháp số hóa, hệ thống truy xuất nguồn gốc và thông tin cho chuỗi cung ứng thanh long nhằm thúc đẩy chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng hợp lý tài nguyên và tạo ra ít phát thải…Những bài học kinh nghiệm từ dự án sẽ là cơ sở để có thể xem xét nhân rộng hoặc điều chỉnh cho phù hợp với chuỗi nông sản khác.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà còn giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi để hòa nhịp xu thế phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Nếu chuyển đổi số thành công, chắc chắn khối lượng, giá trị nông sản Việt Nam sẽ được nâng cao. Lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho nông dân, doanh nghiệp ngày càng lớn. Chuyển đổi số chính là cơ hội, chìa khóa trong ngành nông nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu "Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất".

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được chuyên gia, nhà khoa học hướng dẫn thực hành ghi nhật ký điện tử, truy vết dấu chân các-bon, nhập dữ liệu vào hệ thống điện tử; cung cấp hướng dẫn điều tra và tính toán, phân tích phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất thanh long; xóa dấu vết các-bon và nguồn gây phát thải chính trong quá trình sản xuất thanh long làm cơ sở đánh giá, đề xuất giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hướng sản xuất xanh./.

Nguyễn Thanh

Xem thêm