Đà Nẵng xác định công nghiệp công nghệ thông tin là nền tảng vững chắc để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
(TTXVN) Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng” diễn ra ngày 30/11, do Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Buổi Tọa đàm nhằm tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, triển khai Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây cũng là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ thông tin, trao đổi, đề xuất giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay, tại thành phố, lĩnh vực công nghệ thông tin với tốc độ tăng trưởng cao đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Đà Nẵng xác định công nghiệp công nghệ thông tin là nền tảng vững chắc để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực mới, nhất là công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh…
Thành phố cũng nhận thức rõ, hơn lúc nào hết, nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự tăng trưởng bền vững của kinh tế địa phương. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế, thành phố xác định môi trường chính trị xã hội ổn định, môi trường pháp lý thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao là lợi thế quyết định tính cạnh tranh của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, nhiệm vụ đặt ra của thành phố là làm thế nào để giải quyết cung cầu về nhân lực công nghệ thông tin giữa cơ sở giáo dục đào tạo và thị trường, đảm bảo sự đồng bộ giữa chất lượng, số lượng. Điều này đòi hỏi các bên liên quan phải cùng xem xét và phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới. UBND thành phố Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hiệp hội và cơ sở đào tạo; xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng hy vọng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành “thung lũng Silicon của khu vực Đông Nam Á”.
Đưa ra kiến nghị, đẩy mạnh sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp công nghệ thông tin, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, nhà trường cần xây dựng và duy trì văn hóa chất lượng trong mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chủ động đẩy nhanh chuyển đổi số, đón bắt xu thế đổi mới; lấy chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực làm mục tiêu “sống còn”; quốc tế hóa chương trình đào tạo công nghệ thông tin; thúc đẩy hợp tác có chiều sâu và tầm nhìn dài hạn với doanh nghiệp công nghệ thông tin...
Đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin, cần đổi mới chiến lược phát triển nhân sự bền vững, tăng cường trách nhiệm xã hội trong sử dụng nguồn nhân lực, đồng hành với nhà trường từ khâu thiết kế chương trình, hỗ trợ thực hành để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế; chủ động “đặt hàng” các trường về chỉ tiêu, nhu cầu nhân lực cho tầm nhìn dài hạn. Doanh nghiệp công nghệ thông tin đồng hành với nhà trường hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, các phòng, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, cử chuyên gia tham gia hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập…
Ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng cho hay, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, Đà Nẵng có 1.900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; năm 2022 có gần 400 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Doanh nghiệp có quy mô lớn nhất là FSOFT, với gần 6.000 nhân viên. Thành phố có gần 50 doanh nghiệp quy mô từ 100 nhân viên trở lên, còn lại là doanh nghiệp nhỏ.
Doanh nghiệp công nghệ thông tin có nhu cầu lớn ở các phân khúc phổ thông như lập trình viên, tester... Các lĩnh vực mới có giá trị cao như AI, Data Science Blockchain, IoT chưa nhiều. Nhân lực lĩnh vực quản lý tương đối khó tìm và nhân lực đủ khả năng làm việc quốc tế còn ít.
Đưa ra đề xuất, ông Vy Văn Việt mong muốn thành phố tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách để các trường mở rộng quy mô đào tạo, thu hút sinh viên theo học ngành công nghệ thông tin đến Đà Nẵng để học tập, sinh sống và làm việc; tạo điều kiện cho các chính sách an sinh như cho vay mua nhà để an cư lạc nghiệp...
Các trường Đại học mở rộng quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành có nhu cầu cao và trình độ cao như AI, Big Data, IoT, Blockchain... Bên cạnh đó, thành phố nên tạo điều kiện cho đơn vị đào tạo phi chính quy chất lượng cao để mở rộng đào tạo kỹ năng quản lý, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc quốc tế cho ngành phần mềm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực R&D, phát triển nhân lực thông qua chính sách thuế, hỗ trợ từ quỹ. Các doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn lực của mình theo hướng chuyên sâu, thay vì chỉ đầu tư theo chiều ngang nhằm nâng cao chất lượng cũng như năng suất lao động.
Đến cuối năm 2021, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước tính có khoảng 44.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong đó tập trung trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Dựa trên số liệu dự báo của Đề án Quy hoạch chung thành phố, giai đoạn 2022-2025, thành phố cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm; giai đoạn 2026-2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm./.