Khoa học

Bảo hộ nhãn hiệu Việt ra nước ngoài: Bài 1 - Khẳng định vị thế cạnh tranh

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm hoặc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Đại biểu tìm hiểu tem dán chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

(TTXVN)Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế song phương và đa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng, tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở pháp lý ghi nhận quyền sở hữu đối với nhãn hiệu mà doanh nghiệp đang kinh doanh, nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm hoặc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp khác.

Liên quan đến chủ đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giới thiệu 2 bài viết: Bảo hộ nhãn hiệu Việt ra nước ngoài.

Bài 1: Khẳng định vị thế cạnh tranh

Để đảm bảo an toàn và khẳng định vị thế cạnh tranh khi ra thị trường nước ngoài, doanh nghiệp không chỉ cần xác định chiến lược bảo hộ nhãn hiệu ngay từ đầu, mà còn phải có các biện pháp quản lý theo dõi “trông nom” nhãn hiệu trong suốt quá trình kinh doanh.

* Bình Thuận “gặp khó” cấp chỉ dẫn địa lý thanh long

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tính đến ngày 15/11/2022, Việt Nam có 125 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ. Trong đó, sản phẩm trái cây chiếm 46,4%; cây công nghiệp và lâm nghiệp chiếm 20,8%; gạo chiếm 8,8%; các loại khác chiếm 24%. Sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột được đăng ký sang Nga và Thái Lan năm 2012; sản phẩm quế Văn Yên được bảo hộ tại Thái Lan; 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU năm 2020. Vải thiều Lục Ngạn và Thanh long Bình Thuận được bảo hộ tại Nhật Bản năm 2021.

Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, hiện nay, các nhãn hiệu đăng ký nội địa là khoảng 52.000 đơn/năm, nhưng chỉ có khoảng 230 đơn yêu cầu đăng ký quốc tế. Con số khá khiêm tốn khiến đặt ra câu hỏi: Phải chăng doanh nghiệp Việt chưa hiểu về vai trò của nhãn hiệu sản phẩm nói riêng, sở hữu trí tuệ nói chung trong hoạt động xuất khẩu?

Bình Thuận hiện có diện tích thanh long lớn nhất nước với khoảng 30.000 ha, sản lượng hàng năm trên 600.000 tấn; trong đó trên 9.000 ha thanh long tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ điều kiện sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Thanh long Bình Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) từ năm 2006. Năm 2021, Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật, và đây là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật, sau vải thiều Lục Ngạn. Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào các thị trường khó tính, mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu, tiêu thụ thanh long ở nhiều thị trường khác nhau. Tuy nhiên, việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Bình Thuận đã chậm lại và gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận, nguyên nhân việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý còn quá ít so với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh là do một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể, tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp có năng lực mua bán, xuất khẩu chính ngạch thanh long trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nên việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long chưa nhiều; việc tiêu thụ nội địa thì chỉ dẫn địa lý hầu như không được quan tâm…

Để đảm bảo cho chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận phát triển trong thời gian tới, bà Mai Thanh Nga cho hay, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long thực hiện các thủ tục gia hạn hoặc tái cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long; việc cấp phát, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý nhằm tránh các trường hợp giả mạo sản phẩm, gây mất uy tín cho thương hiệu “Thanh long Bình Thuận”.

“Việc xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý trở thành một chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, đồng thời góp phần chống gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn. Do đó, việc cấp, sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Thuận dùng cho quả thanh long phải thiết thực, hiệu quả, có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương để thực sự mang lại lợi ích cho người trồng thanh long”, bà Mai Thanh Nga nhấn mạnh.

* Hiệu quả bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều

Vải thiều là một trong số những cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt được trồng nhiều nhất tại huyện Lục Ngạn. Hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội đã làm nên thương hiệu vải thiều Bắc Giang nổi tiếng trong và ngoài nước.

Với nỗ lực của người dân và các cấp chính quyền vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đã được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia và tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại Nhật Bản. Đây là một tín hiệu vui góp phần nâng cao giá trị vải thiều Lục Ngạn, giúp công tác xúc tiến tiêu thụ, vải thiều vào thị trường Nhật Bản thuận lợi, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm này vươn xa ra thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khắt khe. Ngay trong năm 2021, 2022, vải thiều Lục Ngạn đã nhanh chóng khai thác được cơ hội này.

Việc đàm phán để vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản kéo dài gần 3 năm. Đó là công sức không chỉ của người trồng vải, mà cả của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, với chiến lược bài bản trong việc gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nông dân-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà nước.

Ông Nguyễn Thế Thi, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, kiêm Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn chia sẻ: “Ngay từ khi được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã có rất nhiều doanh nghiệp không những ở trong nước mà ở cả các nước EU, Mỹ tìm đến để đàm phán và có những hợp đồng để ký kết, do đó sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn những năm trước rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi đang hỗ trợ cho mã số vùng trồng của Nhật Bản, cử cán bộ trực tiếp đến các hộ dân, hợp tác xã để tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát thực hiện theo quy trình mà phía Nhật Bản đưa ra”.

Để chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hiệu quả ở thị trường nước ngoài, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, trước hết địa phương phải minh chứng cho điều kiện khí hậu, địa lý, thổ nhưỡng tạo ra sản phẩm đặc trưng đó và các báo cáo phải được đánh giá bởi các chuyên gia có uy tín trong ngành và đặc biệt đối với sản phẩm mà chúng ta định bảo hộ. Tiếp theo, địa phương phải minh chứng được phong tục, tập quán, điều kiện canh tác, thâm canh của bà con nông dân để tạo ra sản phẩm đặc trưng đó. Tuy nhiên, việc giữ vững và phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý này cũng là một vấn đề khó khăn.

Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để đăng ký tại thị trường Nhật Bản rất khó, nhưng để duy trì trong thời gian tới là công việc hết sức khó khăn đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là người dân, chúng ta phải chỉ đạo để bà con nông dân bằng các biện pháp canh tác tốt, tạo ra sản phẩm, trước hết duy trì các sản phẩm như là các chỉ tiêu đã được bảo hộ.

Bên cạnh đó, sản phẩm ngày càng có chất lượng tốt hơn để khẳng định được vị thế, danh tiếng, uy tín của sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, cần quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với các đối tác khách hàng, người tiêu dùng, đặc biệt trên thị trường Nhật Bản. Các cơ quan quản lý nhà nước phải duy trì đánh giá sản phẩm, kể cả Hội Sản xuất vải thiều phải tự đánh giá sản phẩm vải thiểu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phải có đội ngũ để đánh giá ngoài độc lập đối với sản phẩm để duy trì không bị trả lại.

Tư vấn về xác định thời điểm đăng ký, Luật sư Nguyễn Bá Hội, Chủ tịch Hội đồng viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam chia sẻ, trước hết doanh nghiệp phải xác định có những sản phẩm đã xuất khẩu hoặc chuẩn bị xuất khẩu trong tương lai, chứ không nên đăng ký trước để giữ chỗ. Doanh nghiệp cần phải tính toán sản phẩm của mình đã có ở thị trường nước ngoài và thị trường nào thì sẽ tiến hành đăng ký ở nước đó. Cũng như các chủ thể khác, doanh nghiệp nghiên cứu Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu công nghiệp cần tính toán thời điểm xuất khẩu ra nước ngoài trong tương lai 5 năm chẳng hạn; nếu không cũng có người đăng ký trước và sẽ lâm vào cảnh kiện tụng mất thời gian.

Luật sư Nguyễn Bá Hội nhấn mạnh, các chủ thể, chủ sở hữu các Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu công nghiệp, Nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi đăng ký ra nước ngoài cần phải sử dụng các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp các lĩnh vực. Bởi vì không phải chủ thể nào cũng có thể biết được pháp luật của từng nước mà đăng ký. Khi đăng ký ra nước ngoài, không phải doanh nghiệp muốn mà được, tức là chỉ có các đơn vị tư vấn mới có thể tư vấn cho doanh nghiệp về hình thức đăng ký và phương án đăng ký.

Về hình thức đăng ký, phải theo quy định của từng nước khác nhau, có khi sản phẩm đó được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam nhưng ra nước ngoài chỉ dẫn địa lý rất khó khăn. Ví dụ như trường hợp doanh nghiệp mới đăng ký chỉ dẫn địa lý 2 sản phẩm: Thanh long Bình Thuận và vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản vô cùng khó khăn, rất có thể doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức khác chứ không nhất thiết phải là chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, phải sử dụng quy định của các nước để khi vào nước họ trừ đăng ký qua hệ thống Madrid phải sử dụng đại diện hay luật pháp của nước sở tại./.

(Còn tiếp)

Bài 2: Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp

Nhóm PV TTXVN

Xem thêm