Viện Khảo cổ học tiếp tục bảo vệ, bảo tồn di tích khảo cổ học trước và sau khai quật, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
(TTXVN) Ngày 24/11, tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 57 - năm 2022".
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đây là hoạt động khoa học thường niên của ngành khảo cổ học Việt Nam, là diễn đàn để giới nghiên cứu khảo cổ học và nhiều ngành khoa học có liên quan gặp gỡ, trao đổi thông tin về những phát hiện mới, thảo luận học thuật, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Đây cũng là dịp để các cán bộ trẻ tiếp cận học hỏi các thế hệ đi trước nhằm bổ sung hoàn thiện năng lực khoa học.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11/2021.
Năm 2022, ngành Khảo cổ học Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Năm 2023, Viện Khảo cổ học tiếp tục bảo vệ, bảo tồn di tích khảo cổ học trước và sau khai quật, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Tiến sỹ Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ nêu rõ, trong 1 năm qua, kế thừa và phát huy thành tựu của các giai đoạn trước, ngành Khảo cổ học đã thu được những thành quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nhận thức diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến của các cộng đồng cư dân cổ trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, toàn ngành đã cố gắng vượt qua và tiếp tục chứng kiến những hoạt động khảo cổ học sôi động trên địa bàn cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới rất đa dạng và có giá trị to lớn.
Trong đó, một số hoạt động nổi bật như: khai quật Thác Hai (Đắc Lắc); Cù Lao Rùa (Bình Dương); Giồng Cá Vồ (Thành phố Hồ Chí Minh); Khu vực Chính Điện Kính Thiên (Hà Nội); Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa)...
Ngoài các hoạt động điều tra, thăm dò, khai quật, năm 2022, Viện Khảo cổ học đã nhận được nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu về di tích, các loại hình di vật, kết quả phân tích mẫu khảo cổ, những hợp tác nghiên cứu liên đa ngành và hợp tác quốc tế.
“Đặc điểm nổi bật của hoạt động khảo cổ học trong thời gian qua là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan Trung ương và địa phương. Thời gian tới, tôi hy vọng rằng truyền thống hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khảo cổ học cũng như các nhà khoa học liên quan sẽ ngày càng được củng cố và tăng cường hơn nữa”, Tiến sỹ Hà Văn Cẩn nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận được 390 bài báo cáo, đề cập đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học như: Khảo cổ học tiền sử, khảo cổ học sơ sử và nhà nước sớm, khảo cổ học lịch sử, khảo cổ học Champa - Óc Eo, khảo cổ học dưới nước... với rất nhiều phát hiện nghiên cứu cụ thể ở mọi miền Tổ quốc, từ đồng bằng qua trung du miền núi đến những vùng sâu xa ở Tây Nguyên và hải đảo.
Những cuộc khai quật, nghiên cứu tiếp nối và mới về Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), ở Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Giang, Quảng Nam, Đồng Nai, An Giang, Đắc Lắc...
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 24 và 25/11 ./.