Khoa học

Ngày An toàn thông tin 2022: An toàn thông tin mạng, chuyển đổi số nhanh, bền vững

Các chuyên gia công nghệ thông tin khẳng định, an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết để quá trình chuyển đổi số nhanh hơn và bền vững hơn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022. Ảnh: Minh Quyết (TTXVN)

(TTXVN) Sáng 24/11, tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022".

Với chủ đề "Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn", các chuyên gia công nghệ thông tin khẳng định, an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết để quá trình chuyển đổi số nhanh hơn và bền vững hơn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã đề cập đến những vấn đề cơ bản của đảm bảo an toàn an ninh mạng quốc gia và cho người dân.

Khẳng định bảo đảm an toàn không gian mạng là nhiệm vụ của cả Hệ thống chính trị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: "Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa".

Để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, đồng nghĩa cần phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước  và hoạt động trên không gian mạng của 100 triệu người dân, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học… Không một lực lượng đơn lẻ nào có thể làm hết được khối lượng công việc khổng lồ này.

Vì vậy, bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm phải chủ động vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Thống kê trung bình năm 2021, mỗi người dân Việt Nam dành khoảng 7 tiếng mỗi ngày để trực tuyến trên internet. Tuy nhiên, nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin của người dân còn hạn chế.

Vì vậy, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân và người dân bị lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng thời gian qua là vấn đề nhức nhối. Theo thống kê, trong hai năm 2019, 2020, việc mua bán trái phép trên thị trường chợ đen lên tới gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định 2022 là năm bảo vệ người dân trên không gian mạng. Vì vậy, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.

Trong 10 tháng năm 2022 đã chặn 2.063 website vi phạm, trong đó có 1.255 website lừa đảo. Bảo vệ 3,8 triệu người dân (gần 6% người dùng internet) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các ý tưởng, giải pháp an toàn thông tin mạng sáng tạo xuất sắc, phục vụ lợi ích quốc gia và bảo vệ người dân trên không gian mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi Hiệp hội, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng hãy chung tay cùng Bộ trong quá trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: Minh Quyết (TTXVN)

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin (VNISA) chia sẻ, Hiệp hội An toàn thông tin đã tiến hành khảo sát 135 tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam về công tác đảm bảo an toàn thông tin.

Kết quả bước đầu thu được nổi lên một số vấn đề lớn cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới. Đó là có đến 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa có đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng được yêu cầu hiện tại; có 87 % tổ chức, doanh nghiệp lo ngại yếu tố con người; 58% đơn vị lo ngại về điểm yếu công nghệ và 47 % lo ngại về lỗ hổng quy trình; 68 % tổ chức, doanh nghiệp chưa có đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hàng năm.

Ra mắt Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. Ảnh: BTC

Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, kỹ năng để bảo đảm giảm sự cố mất an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin đã thành lập Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng (Liên minh). Có 8 doanh nghiệp công nghệ Việt hàng đầu tham gia sáng lập Liên minh gồm Viettel; VNPT; MobiFone; CMC; BKAV, VNG, Tiktok và Cốc Cốc. 

Ông Nguyễn Vũ Anh, Tổng Giám đốc Cốc Cốc cho biết, nhằm góp phần đảm bảo an toàn an ninh mạng cho người dùng hay xây dựng một internet "xanh", Cốc Cốc xây dựng và phát triển các sản phẩm theo hướng bảo vệ an toàn cho người dùng trên internet thông qua bộ tính năng bảo mật của Cốc Cốc.

Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong chuyển đổi số, Cốc Cốc chú trọng khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động trực tuyến một cách nhanh chóng, an toàn, tiện lợi. Các thành viên Liên minh cam kết, cùng chung tiếng nói, tích cực và trách nhiệm đóng góp để chung tay tạo "khiên chắn" giúp người Việt lên mạng an toàn.

Triển lãm Ngày An toàn thông tin 2022. Ảnh: NB (TTXVN)

Bên lề các phiên Hội thảo chính có hoạt động Triển lãm An toàn thông tin, trao Bằng khen cho sinh viên đoạt giải trong Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2022, các hội thảo chuyên đề về Xây dựng môi trường mạng an toàn cho tổ chức, doanh nghiệp; bảo vệ dữ liệu – yếu tố quan trọng tạo dựng niềm tin cho quá trình chuyển đổi số; thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng./.

Ngọc Bích

Xem thêm