Kết nối băng rộng bao gồm vô tuyến băng rộng đóng vai trò quan trọng để mọi hoạt động xã hội có thể chuyển sang môi trường kỹ thuật số một cách thuận lợi.
Ngày 8/11, tại Hà Nội, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề: Kết nối băng rộng không dây ở băng tần 6Ghz.
Đây là cơ hội để lãnh đạo các cơ quan quản lý cũng như đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia công nghệ chia sẻ, thảo luận về định hướng nghiên cứu và cách tiếp cận hài hòa băng tần 6GHz trong tương lai.
Một trong những giải pháp đột phá để để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia là làm chủ, xây dựng hạ tầng số đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế, xã hội. Kết nối băng rộng bao gồm vô tuyến băng rộng đóng vai trò quan trọng để mọi hoạt động xã hội có thể chuyển sang môi trường kỹ thuật số một cách thuận lợi. Việc khai thác băng tần 6GHz để cung cấp kết nối băng rộng không dây là hướng đi hiệu quả đang thu hút sự quan tâm, thử nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, băng tần 6GHz đang được cơ quan quản lý tần số của nhiều quốc gia nghiên cứu và tiếp cận về quy hoạch cho các hệ thống cấp phép (IMT) hoặc miễn cấp phép (như wifi) theo 3 hướng.
Thứ nhất là quy hoạch toàn bộ 1200 MHz của băng tần 6GHz thành băng tần miễn cấp phép, chủ yếu sử dụng cho wifi; Thứ 2 là quy hoạch toàn bộ 1200 MHz của băng tần 6GHz thành băng tần cấp phép, chủ yếu sử dụng cho thông tin di động (IMT); Thứ 3 là quy hoạch 500 MHz đoạn băng tần dưới (5925-6425 MHz) thành băng tần miễn cấp phép và 700 MHz đoạn băng tần trên (6425-7125 MHz) thành băng tần cấp phép.
Đây là 3 xu hướng quy hoạch băng tần được nghiên cứu và thảo luận bởi các thành viên của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Những nhà quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và nhà sản xuất thiết bị cần nhanh chóng rà soát lại các kết quả nghiên cứu và phương án quy hoạch, đánh giá cơ hội và thách thức trong mỗi phương án để cùng nhau lựa chọn giải pháp tối ưu về công nghệ, hài hòa với quốc tế, và trên hết là đem lại lợi ích tối đa cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Những thông tin chia sẻ tại hội thảo nhằm gợi mở, định hướng phát triển các hệ thống băng rộng không dây trên băng tần 6 GHz góp phần thực hiện mục quốc gia về phát triển hạ tầng số, hạ tầng băng rộng trong mục tiêu chung về chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, việc quy hoạch, phát triển băng tần mới phải cân bằng được lợi ích giữa các bên gồm người dân – doanh nghiệp – nhà nước, đồng thời đảm bảo hài hòa với xu thế phát triển của khu vực và thế giới.
Ông Lê Văn Tuấn cho biết thêm, năm 2023, trong lĩnh vực thông tin vô tuyến sẽ diễn ra sự kiện quan trọng nhất cho cả một chu kỳ nghiên cứu phát triển 4 năm kể từ 2019, đó là Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới 2023 (WRC-23) trong đó sẽ bàn về quy hoạch tần số.
Ông Tuấn mong muốn, các cơ quan quản lý tần số, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan cùng nghiên cứu xây dựng quan điểm của Việt Nam về tần số để đóng góp trong chương trình hội nghị của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chuẩn bị cho Hội nghị WRC-23 và tại Hội nghị WRC 2023.
Bà Thảo Griffiths, Giám đốc Chính sách công thị trường Việt Nam, Tập đoàn Meta chia sẻ, phổ tần miễn cấp phép cho wifi là một tài nguyên thiết yếu để phát triển nền kinh tế số khi mạng wifi đã trở thành một phần không thể thay thế để cung cấp kết nối băng rộng. Nhu cầu kết nối và lưu lượng băng thông rộng đã và đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Tính trung bình, có tới 80% lưu lượng truy cập không dây được truyền qua mạng wifi Đặc biệt, các thế hệ wifi mới (wifi 6E) sẽ cho phép rất nhiều ứng dụng mới và mang lại cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.
Trên thế giới, hiện nay, ngành công nghiệp wifi đã chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp công nghệ và thiết bị wifi tiêu chuẩn 6E trong thời gian nhanh nhất. Ước tính có khoảng 1,4 tỷ thiết bị wifi 6E sẽ gia nhập thị trường vào năm 2025. Hiện có hơn 60 quốc gia quyết định mở băng tần 6GHz cho wifi và hơn 20 quốc gia bắt đầu thủ tục hướng tới việc mở băng tần 6GHz.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đang tích cực đánh giá phổ tần số 6GHz và xem xét các phương án để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này với mục tiêu là đem lại lợi ích cao nhất cho người dùng.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng, thiết yếu của băng rộng không dây và các trường hợp sử dụng băng rộng để phát triển; giới thiệu những công nghệ băng rộng không dây mới nhất với những tính năng công nghệ đáp ứng nhu cầu gia tăng của kết nối thiết bị internet; chia sẻ các giải pháp kết nối khác nhau giữa wifi 6E và 5G và khả năng truy cập không dây tại Việt Nam.
Bên lề hội thảo là triển lãm để khách thăm quan và trực tiếp trải nghiệm những tính năng vượt trội về tốc độ cao, dung lượng lớn và độ trễ thấp của các dòng thiết bị wifi 6E đến từ những công ty công nghệ lớn trên thế giới./.