Khoa học

Tiếp sức cho người trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ đã mang lại nhiều hiệu quả thực tiễn.

Anh Nguyễn Mạnh Cường (đứng phía sau) cùng nhóm bạn đã thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất thiết bị điện STC Electric sản xuất và kinh doanh các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Thành phố Đà Nẵng được Trung ương xác định là một trong ba trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cùng với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khoảng 2 năm bị gián đoạn do dịch COVID-19, trong năm 2022, phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại Đà Nẵng đang dần sôi động, mạnh mẽ trở lại, nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang tầm vóc quốc gia.

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra sôi nổi với nhiều sự kiện, cuộc thi như: Festival Sáng tạo trẻ, Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên, Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp… Qua đó, giới trẻ Đà Nẵng đã cho thấy tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ, nhiều ý tưởng đề tài có giá trị về mặt công nghệ và có tính khả thi cao. Sau các cuộc thi, nhiều ý tưởng đã được các tổ chức ươm tạo khởi nghiệp hỗ trợ, tư vấn để phát triển thành các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là với các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật số…

Trước thực trạng tai nạn đuối nước phổ biến và đáng báo động ở Việt Nam hiện nay, nhóm nghiên cứu gồm các sinh viên: Lê Viết Hưng, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Thành Hiệp, Phan Ngọc Phùng (Khoa Điện - Điện tử, Đại học Đông Á, thành phố Đà Nẵng) đã hình thành ý tưởng sử dụng thiết bị không người lái (drone) để cứu người đuối nước. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, nhóm đã cho ra đời sản phẩm thử nghiệm và đang tích cực hoàn thiện hồ sơ tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước.

Theo sinh viên Lê Viết Hưng, các drone sẽ mang theo phao cứu sinh và được điều khiển từ xa để bay tới tiếp cận người bị đuối nước. So với các drone đã có trên thị trường, sản phẩm này có điểm mới là được nâng cấp với mục đích tăng thời gian hoạt động, tăng trọng tải, đồng thời có thiết bị truyền động để vận chuyển, thả phao. Ngoài ra, sản phẩm drone này còn có thể được sử dụng trong các lĩnh vực khác như: phòng cháy - chữa cháy, nông nghiệp (phun thuốc trừ sâu) hoặc sửa chữa kỹ thuật (kiểm tra các đường dây điện cao thế)... Lê Viết Hưng rất mong các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp phép cho bay thử sản phẩm và sớm cho thử nghiệm thực tế trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển trong thời gian tới.

Một trường hợp khác là cử nhân mới tốt nghiệp đại học nhưng đã mạnh dạn phát triển và thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp thành công. Đó là chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thiết bị điện STC Electric (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Từ tháng 10/2021, Cường và nhóm nghiên cứu của mình đã mạnh dạn thành lập công ty để sản xuất sản phẩm khởi nghiệp "Thiết bị Relay an toàn cho phao bơm và máy bơm nước", chuyển đổi nguồn điện thành 12V để an toàn cho người dùng.

Chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp, Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Từ khi là sinh viên, tôi đã tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, nhiều cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo nên rất quyết tâm khởi nghiệp. Khó khăn nhất khi bắt đầu khởi nghiệp là phải tìm ra sản phẩm tiềm năng mà thị trường đang cần nhưng chưa có nhiều người cung ứng, gọi là “thị trường ngách”. Sau những khó khăn ban đầu về nguồn vốn, nhân lực, hiện giờ, công ty đã dần vận hành ổn định, đạt được những kết quả khả quan”.

Hiện sản phẩm Relay an toàn cho phao bơm và máy bơm nước của nhóm đã có mặt tại 158 đại lý trên toàn quốc, được đăng bán trên các trang thương mại điện tử, mang lại doanh thu hơn 200 triệu/tháng. Mạnh Cường cho biết thêm, do khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nên nguồn doanh thu của công ty hiện vẫn phải xoay vòng để làm vốn đầu tư nghiên cứu các sản phẩm mới. Ngoài việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp starup cần tham gia nhiều hơn những chương trình kết nối, ươm tạo khởi nghiệp để có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm tốt hơn.

Nhận định về phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ tại Đà Nẵng, ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ) cho rằng: “Thành phố Đà Nẵng có hơn 20 trường Đại học, Cao đẳng với hơn 100 nghìn sinh viên và khoảng 40 tổ chức khoa học công nghệ, đây chính là “mỏ vàng” về trí tuệ, chất xám trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tôi tin rằng với khát vọng, trí tuệ và tài năng của các sinh viên và sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, sẽ có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công hơn nữa trong tương lai.”

Theo ông Võ Đức Anh, thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong giới trẻ. Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng đã thành lập Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của thành phố (startupdanang.vn) nhằm cập nhật thường xuyên, hỗ trợ các thông tin chất lượng, hiệu quả cho các mô hình khởi nghiệp. Trung tâm thường xuyên phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng để tổ chức các diễn đàn kết nối các mô hình khởi nghiệp với các chuyên gia, các quỹ đầu tư để hướng dẫn, cố vấn cho các mô hình…

Dự kiến cuối tháng 11/2022, chương trình Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng – SURF 2022 sẽ được tổ chức sau thời gian gián đoạn do dịch COVID-19. Đây là sự kiện về khởi nghiệp lớn nhất trong năm, quy tụ những tinh hoa của hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố Đà Nẵng, là cơ hội để các mô hình khởi nghiệp sáng tạo giao lưu với các tổ chức mang tầm quốc gia, quốc tế.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ đã mang lại nhiều hiệu quả thực tiễn. Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai hỗ trợ 63 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở đã hỗ trợ 22 lượt doanh nghiệp với kinh phí hỗ trợ gần 4 tỷ đồng để phát triển sản phẩm, hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đang triển khai công tác hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ theo các chính sách vừa được HĐND, UBND thành phố ban hành năm 2021./.

Quốc Dũng

Xem thêm