Khoa học

Vốn xã hội và con người - nhân tố quan trọng phát triển bền vững

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh cho biết: vai trò của vốn xã hội và vốn con người đối với tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội ngày càng được quan tâm, chú trọng hơn.

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Tiểu ban Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức Hội thảo "Vốn xã hội và vốn con người vì phát triển bền vững" nhằm đánh giá ảnh hưởng của vốn xã hội và vốn con người tới các mặt đời sống xã hội và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh cho biết: ở Việt Nam, vai trò của vốn xã hội và vốn con người đối với tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội ngày càng được quan tâm, chú trọng hơn.

Trong quá trình đổi mới về thể chế kinh tế, chính trị, mô hình phát triển kinh tế, xã hội, hệ thống thị trường và hệ thống luật pháp chưa kiện toàn nên vai trò điều tiết của chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả và kịp thời, con người chính là nhân tố có thể giúp khỏa lấp những khoảng trống, bù đắp những bất cập từ bối cảnh hiện nay.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch điều hành Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc
Ảnh :PV

Vì vậy, việc phát triển vốn xã hội và vốn con người góp phần gia tăng tín nhiệm xã hội đối với việc xây dựng một môi trường xã hội tích cực, góp phần hóa giải các mâu thuẫn, hài hòa lợi ích, cải thiện mạng lưới các quan hệ xã hội.

Ngoài ra, vốn xã hội và vốn con người góp phần thúc đẩy hình thành trật tự đời sống lành mạnh, hài hòa và nhân văn hơn. Do vậy, nghiên cứu về vốn xã hội và vốn con người cũng như các khía cạnh kinh tế, xã hội của các nguồn vốn này đối với sự phát triển của một quốc gia là điều vô cùng cần thiết.

Ông Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh, đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc tận dụng các nguồn lực phát triển là điều tất yếu, nhưng các nguồn lực ấy sẽ khó có thể phát huy hết vai trò của mình nếu Nhà nước không có những chính sách phù hợp để tận dụng các nguồn lực, đặc biệt là vốn xã hội và vốn con người, hai nguồn lực có sức mạnh kết nối.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ở Việt Nam vốn xã hội tồn tại dưới nhiều hình thức và được sử dụng để hợp tác, hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, cũng như trong các hoạt động của đời sống xã hội; sự kết hợp dựa trên vai trò xã hội, luật lệ và tinh thần, thái độ nhận thức của con người, vốn xã hội không thể cân, đong, đo, đếm, và càng khó quan sát trực tiếp.

Có 3 yếu tố khác nhau cấu thành nên vốn xã hội đó là: sự tin cậy; trao đổi, hợp tác; mạng lưới xã hội... bên cạnh đó nhiều nguồn lực tạo nên sự liên kết, các giá trị, chuẩn mực xã hội cho phép các cá nhân, nhóm, tổ chức tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng nhau.

Việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững gắn với nhu cầu của con người, dù ở nơi đâu cũng luôn được sống trong một môi trường hòa bình, không ô nhiễm, an toàn và có cơ hội mưu sinh bình đẳng.

Để bảo đảm bền vững trong dài hạn, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp là chìa khóa của thành công.

Chia sẻ về vốn con người, Thạc sỹ Lê Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu Con người cho rằng, đến nay vốn con người đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, trong các quan điểm đều thừa nhận vốn con người có vai trò nhất quan trọng đối với sự phát triển đất nước.

Vốn con người nếu được đầu tư hiệu quả sẽ "sinh lời" cho người sở hữu nó trong tương lai. Ngoài ra, vốn con người có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm, hiệu quả việc làm cũng như chất lượng việc làm nói chung và việc làm bền vững nói riêng; vốn con người làm gia tăng năng suất việc mang lại đủ thu nhập từ công sức lao động.

Vốn con người càng cao thì càng có vai trò thúc đẩy năng suất cũng như hiệu quả việc làm. Năng lực, tri thức, kinh nghiệm của người lao động mà họ tích lũy được qua giáo dục và làm việc giúp họ hoàn thành công việc hiệu quả.

Do đó họ có thể làm được khối lượng công việc nhiều hơn và nhanh hơn, hiệu quả hơn và dễ đạt những thành công nhanh hơn, sớm hơn...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất các nhóm giải pháp về dân trí, xã hội công dân, đồng thuận dân tộc; giải pháp về thể chế, pháp chế; giải pháp liên quan đến quản lý nhà nước về vốn xã hội và vốn con người... đồng thời đề xuất các chương trình phát triển một cách toàn diện trong tình hình mới nhằm thực hiện các chính sách hướng tới đối tượng dễ bị tổn thương cũng như hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước./.

Lý Thanh Hương

Xem thêm