Báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, vì vậy, lĩnh vực này phải chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung của xã hội.
Ngày 14/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, chính vì vậy, phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung của xã hội.
Do đó, Hội thảo nhằm mục tiêu tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu giữa các cơ quan truyền thông đại chúng, đề xuất sáng kiến, hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam trong thời đại mới, thời đại công nghệ số.
Chia sẻ nhằm nâng cao khả năng đáp ứng thay đổi chuyển đổi số, nhà báo Vũ Xuân Bân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí.
Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án chỉ đạo xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào nhân lực am hiểu về công nghệ và tư duy đột phá. Vì vậy, cần chú trọng đào tạo hoặc đào tạo lại để có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo, tinh thông các công cụ số và cách tiếp cận mới mẽ, một cách nghĩ khác, làm khác, tạo ra một kết quả khác biệt, hiệu quả hơn...
Theo đại biểu Phạm Bích San, Khoa Truyền thông đa phương tiện, Đại học Thăng Long, chuyển đổi số là quá trình hài hòa cân đối nhiều yếu tố. Nếu cố tình đột phá thật nhanh không tính tới đủ những yếu tố liên đới thì quá trình chuyển đổi có thể còn chậm hơn là tiến hành mọi sự một cách hài hòa. Do vậy, để chuyển đổi thành công và nhanh cần tính tới những yếu tố tác động, thay vì chỉ kêu gọi đơn thuần cần chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện.
Theo nhà báo Đặng Đình Chấn (Tạp chí Việt Nam hội nhập), để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí rất quan trọng. Không chỉ là tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số; bao gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.
Nhân dịp này, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề, thực hiện được yêu cầu chuyển đổi số, đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật, phóng viên cần được tập huấn, cập nhật các kiến thức về chuyển đổi số và tác nghiệp theo hướng số hóa; lãnh đạo, quản lý, cơ quan báo chí cũng phải nâng cao trình độ, thấm nhuần tinh thần và sẵn sàng đối diện với những thách thức trong quá trình chuyển đổi số.../.