Khoa học

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu nằm trong top đầu cả nước về chuyển đổi số

Thái Nguyên

Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân; toàn bộ các công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc đã liên thông phần mềm dược quốc gia.

Người dân thực hiện giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

TTXVN - Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung triển khai hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đối số theo chỉ đạo của Chính phủ và các nhiệm vụ của Đề án 06; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh kết nối với hệ thống của Trung ương phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh đẩy mạnh triển khai các nền tảng xã hội số, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, phát triển mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn...

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: Cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, từ đầu năm đến nay, cùng với việc đào tạo kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức, thử nghiệm mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số trên địa bàn, Thái Nguyên đã phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính, đảm bảo kết nối đến 100% huyện và xã trên toàn tỉnh.

Thái Nguyên hoàn thành 23/25 dịch vụ công thiết yếu trên môi trường số, thực hiện liên thông đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế, hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả 3 cấp...

Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 4 của cả tỉnh đạt trên 70%; 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh duy trì, vận hành ổn định cổng hoặc trang thông tin điện tử.

Tỉnh bước đầu thí điểm có hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (IOC), Trung tâm điều hành thông minh thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công.

Riêng thành phố Thái Nguyên đã đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống truyền hình hội nghị. 100% xã, phường lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát, với tổng số 304 camera, để phục vụ quản lý và chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương...

Trong phát triển kinh tế số, hiện nay, Thái Nguyên có 324 doanh nghiệp công nghệ số. Tỉnh hỗ trợ cấp mã truy xuất nguồn gốc QR miễn phí cho tất cả sản phẩm của tỉnh, hỗ trợ thiết kế tem, mã truy xuất nguồn gốc, tờ rơi, tập gấp sản phẩm và hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật đưa sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên (thainguyentrade.vn), Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn, Lazada.vn…

Trong triển khai thuế điện tử, tỷ lệ doanh nghiệp của Thái Nguyên thực hiện khai thuế điện tử đạt 99,5%, số doanh nghiệp đăng ký tài khoản và nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử đạt 100%....

Đối với xây dựng xã hội số, đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân; toàn bộ các công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc đã liên thông phần mềm dược quốc gia.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viettel Thái Nguyên và Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ thí điểm mô hình Chợ 4.0 tại chợ Hùng Sơn từ cuối tháng 4/2022 và tiếp tục phối hợp với huyện Võ Nhai triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ La Hiên (xã La Hiên). Sở phối hợp với huyện Phú Bình, Thành phố Thái Nguyên triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực giáo dục, y tế. Tỉnh phấn đấu hết năm 2022, có tối thiểu 60 mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên đang hoàn thiện giai đoạn 1 xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành giáo dục; thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch Thái Nguyên trên Cổng du lịch thông minh và các kênh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội với các công nghệ mới hiện nay như thực tại ảo, thực tại tăng cường, ảnh 360, trí tuệ nhân tạo...

Tuy vậy, thực tế hiện nay, chương trình chuyển đổi số tại Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 4 ở một số sở, ngành, địa phương vẫn thấp hơn 55% so với nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, khai thác và chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước còn có những hạn chế nhất định. Tỷ lệ người dân ở vùng nông thôn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt ở mức thấp, hạn chế cho việc phát triển thanh toán số.../.

Hoàng Thảo Nguyên

Tin liên quan

Xem thêm