An sinh

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Bảo hiểm Xã hội để phục vụ người dân, doanh nghiệp

Hà Nam

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Nam đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của ngành, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp khi tham gia bảo hiểm.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

(TTXVN) Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Nam đã và đang tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của ngành nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, giảm tối đa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.

Việc triển khai ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số từ cuối năm 2020 là bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành. VssID được tích hợp nhiều tính năng, tiện ích giúp người dùng có thể tra cứu thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện. Ứng dụng có hỗ trợ 24/7 như: hỗ trợ qua hệ thống chatbox, trả lời tự động hoặc tổng đài của ngành Bảo hiểm…

Đặc biệt, từ ngày 1/6/2021, người dùng có thể dùng hình ảnh thẻ trên ứng dụng để khám chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy. Đến cuối tháng 7/2022, toàn tỉnh có trên 148.000 lượt cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.

Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân mỗi ngày tiếp nhận từ 250-300 lượt khám chữa bệnh. Người dân dân sử dụng ứng dụng VssID để khám chữa bệnh đã cảm nhận được lợi ích của ứng dụng này. Việc người dân sử dụng ứng dụng VssID để khám chữa bệnh cho thấy sự thay đổi trong việc chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm. Huyện Lý Nhân đã có trên 16.720 người cài đặt sử dụng ứng dụng VssID, phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ tăng thêm khoảng 16.000 người đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng này.

Bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Lý Nhân cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của ngành, đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh mạng, tăng mức độ chính xác, giảm tối đa làm việc trực tiếp.

Cùng với việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng VssID, để phục vụ công tác chuyển đổi số, Bảo hiểm Xã hội Hà Nam trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, đáp ứng yêu cầu về hạ tầng, bảo đảm đủ điều kiện kết nối liên thông các phần mềm nghiệp vụ của ngành và ứng dụng dùng chung nhằm xử lý công việc trên môi trường mạng từ cấp Trung ương đến huyện, thị xã nhanh chóng, kịp thời. Cán bộ tại Bộ phận "một cửa" Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Bảo hiểm Xã hội cấp huyện có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng công việc, tác phong làm việc theo hướng phục vụ, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện...

Thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06), Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phổ biến, quán triệt đầy đủ mục tiêu, nội dung Đề án đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động toàn ngành. Ngành ban hành văn bản về việc kê khai số căn căn cước công dân, số định danh công dân đối với người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gửi đến đơn vị sử dụng lao động.

Tính đến ngày 15/7/2022, địa bàn tỉnh đã có 326.968 căn cước công dân đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị đi khám chữa bệnh. 36 cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận công dân sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh và đã có 393 lượt người tra cứu dữ liệu bảo hiểm y tế qua căn cước công dân, trong đó 142 lượt được hệ thống thông tin giám định ghi nhận...

Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Nam Đỗ Quốc Hòa cho biết thêm, hiện nay, dữ liệu phần mềm của toàn ngành Bảo hiểm Xã hội được tập trung từ Trung ương và thống nhất trong toàn quốc. Toàn ngành đã kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, qua đó không ngừng hoàn thiện nhằm thống nhất trong quản lý cũng như thực hiện an sinh xã hội. Công tác chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành được đặc biệt quan tâm, chủ động đẩy mạnh và đi trước một bước, tạo ra những đột phá để phục vụ người dân, doanh nghiệp./.

Đại Nghĩa

Xem thêm