An sinh

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong đảm bảo an sinh xã hội

TP. Hồ Chí Minh

Đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật, chăm lo cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

hứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

(TTXVN) Chiều 25/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021, chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2019 - 2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài các báo cáo liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát theo yêu cầu của Đoàn giám sát, đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật, chăm lo  cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các Luật khác có liên quan như về cách tính lãi chậm nộp; bổ sung hoặc ban hành Nghị quyết cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được điều chỉnh bằng lương cơ sở.

Bên cạnh đó, Thành phố đề nghị Quốc hội xem xét tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng quyền lợi, mở rộng phạm vi chế độ người lao động được hưởng theo hướng linh hoạt; bổ sung các Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm nhằm thống nhất đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở nhóm người làm việc theo Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng…

Đối với Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị xem xét cơ chế đặc thù đối với Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn về mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động nước ngoài; ban hành quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các trường hợp nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn; các doanh nghiệp đã khởi kiện, thi hành án nhưng không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp nợ đã giải thể, phá sản…

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét sớm ban hành hướng dẫn cụ thể các hành vi: đóng không đúng mức hay đóng không đủ số người thuộc diện tham gia mà không phải là trốn đóng; các trường hợp không đóng, trốn đóng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn chung, thống nhất về quy trình, thủ tục việc khởi tố hình sự đối với đơn vị nợ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Thành phố kiến nghị Bộ Y tế quy định cụ thể, rõ hơn các bệnh hiểm nghèo; sửa lại mã bệnh để đảm bảo tính thống nhất tại danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đầy đủ các nội dung được quy định trong Thông tư số 56/2017/TT-BYT, Công văn số 1950/BYT-PC và các văn bản hướng dẫn…

Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành phố kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chế độ thai sản; chế độ ốm đau; chế độ hưu trí; trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần; quy định làm căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với mức lương cơ sở.

Chia sẻ những đề xuất, kiến nghị trên, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đây là những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tại địa phương, nhất là khi trải qua thời gian dài giãn cách xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 trên diện rộng.

Với mục tiêu “Tất cả là vì dân, chăm lo cho dân”, Thành phố đã huy động mọi nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh; các tỉnh, thành phố cả nước cùng đông đảo nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hướng về Thành phố 10 triệu dân trong tâm dịch.

Theo ông Võ Văn Hoan, ngoài thực thi tốt nhất các chính sách, pháp luật, nỗ lực chăm lo cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố (giai đoạn 2022-2025) gồm các hoạt động khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19…

“Thành phố có đề án chăm sóc sức khỏe nhân dân, hỗ trợ hộ tái nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và phụng dưỡng những người già bị tác động bởi dịch bệnh… Suy cho cùng là chăm lo cho nhân dân, làm toàn tâm, toàn ý, tuân thủ quy định cho nên đến thời điểm hiện tại chưa sai sót điều gì…”, ông Hoan chia sẻ.

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao tinh thần đoàn kết, vững vàng của Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn dịch bệnh; đã và đang tiếp tục nỗ lực từng bước ổn định đời sống, thúc đẩy kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển để xứng đáng là Thành phố anh hùng, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Kết quả đó còn thể hiện sự đồng bộ, thống nhất, thông suốt giữa các cấp, ngành, với phương châm "Dịch bệnh lui đến đâu, an sinh xã hội tiến đến đó",… đảm bảo ổn định đời sống của người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia bảo hiểm xã hội, giúp cho việc phát triển đối tượng tham gia xã hội năm sau cao hơn năm trước.

Bà Nguyễn Thúy Anh lưu ý Thành phố cần quan tâm thêm công tác quản lý lao động, hỗ trợ doanh nghiệp; các vấn đề về thỏa ước lao động tập thể, rút bảo hiểm xã hội một lần; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội; giải quyết chế độ, chính sách xã hội; chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin... 

Đánh giá cao những kinh nghiệm thực tiễn từ công tác an sinh xã hội, những sáng tạo nhạy bén trong phòng, chống dịch cũng như quá trình triển khai nhanh chóng các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Thành phố, bà Nguyễn Thúy Anh cũng lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục rà soát các đối tượng diện chính sách; thực hiện thanh quyết toán các khoản kinh phí hỗ trợ; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em...

Sáng cùng ngày, Đoàn Giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021 và thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh./.

Thanh Vũ

Tin liên quan

Xem thêm