An sinh

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách Bảo hiểm y tế

TP. Hồ Chí Minh

Tại buổi giám sát chuyên đề, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra và kiến nghị các giải pháp khắp phục để hướng tới chăm sóc, điều trị tốt hơn cho người bệnh.

Đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh trình bày báo cáo về công tác ứng phó với dịch COVID-19 theo tinh thần của Nghị quyết 30/2021/QH15. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

(TTXVN) Chiều 24/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021, chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2019-2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần của Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội tại Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại đây, nhiều khó khăn vướng mắc về công tác thanh, quyết toán, mua sắm các vật tư y tế, thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra và kiến nghị các giải pháp khắp phục để hướng tới chăm sóc, điều trị tốt hơn cho người bệnh.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện địa bàn có 187 cơ sở y tế tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã có dấu hiệu phục hồi, tăng cao hơn so với thời điểm 2021 nhưng vẫn giảm so với các năm 2018, 2019. Số lượt khám, chữa bệnh giảm khiến cho các cơ sở y tế tự chủ tài chính gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, trong 7 tháng năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có lượt khám bảo hiểm y tế nội trú trái tuyến tăng và đang có xu hướng gia tăng vào giai đoạn cuối năm khiến xảy ra tình trạng quá tải ở một số bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối, đồng thời vượt dự toán chi của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Một khó khăn khác mà các cơ sở y tế hiện nay đang gặp phải là việc thanh, quyết toán vượt quỹ, vượt trần đang bị kéo dài, không đúng niên độ. Hiện nay, các đơn vị y tế đều đã phải tự chủ tài chính, hàng năm phải quyết toán thu - chi, từ lương, thu nhập tăng thêm của nhân viên đến thanh toán công nợ cho các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế… Do đó, việc chậm thanh, quyết toán sẽ ảnh hưởng đến thu nhập nhân viên y tế và các công ty cung ứng sẽ chậm cung cấp thuốc, vật tư y tế cho bệnh viện.

Một bất cập khác là nội dung thanh toán bảo hiểm y tế lại dựa trên chi phí bình quân của năm liền kề. Đơn cử như năm 2020, 2021, giai đoạn diễn ra dịch COVID-19, mặc dù số lượt bệnh nhân khám bảo hiểm y tế giảm so với năm liền kề nhưng tổng thanh toán lại nhiều hơn do ca bệnh nặng hơn, chi phí điều trị cao hơn.

Thống kê tại Thành phố Hồ Chí Minh, chi phí khám, chữa bệnh bình quân đã tăng lên từ 1,1 triệu đồng/người bệnh khám bảo hiểm y tế năm 2019, đến năm 2021 đã tăng lên 1,4 triệu đồng/người bệnh. Do đó, thanh toán bảo hiểm y tế dựa trên việc so sánh năm liền kề là không phù hợp, gây khó khăn cho cơ sở y tế.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, hiện đang có sự mâu thuẫn giữa giải quyết quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và sự phát triển của y tế cơ sở. Việc thông tuyến bảo hiểm y tế tạo thuận lợi nhất cho người dân, nhưng điều này khiến các trạm y tế không thu hút được bệnh nhân, bởi các trạm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

Ở các bệnh viện, việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không khá hơn khi thời gian qua, số lượng bệnh nhân giảm, công tác đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế gặp nhiều vấn đề, có những bệnh viện rơi vào tình trạng chênh lệch thu - chi là 0 đồng.

“Chúng tôi mong mỏi thay đổi chiến lược đấu thầu để làm sao đấu thầu được thuốc chất lượng nhưng giá hợp lý. Trong khi hiện nay, đấu thầu thuốc phải là thuốc giá thấp nhất, mua máy phải giá rẻ nhất, chắc chắn với một nền y tế giá rẻ, chất lượng khám chữa bệnh không thể cao được”, ông Thượng tâm tư.

Cùng với đó, vấn đề biến động nhân sự đã gây ra những “bất ổn” cho ngành Y tế. Từ năm 2021 đến nay, trên 2.000 nhân viên y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nghỉ việc, chủ yếu bác sĩ và điều dưỡng. “Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh thiếu nhất là điều dưỡng. Chưa bao giờ, các bệnh viện khó tuyển điều dưỡng như bây giờ. Trước đây cứ 1 bác sĩ có 3 điều dưỡng. Hiện nay, tỷ lệ này là 1 bác sĩ chỉ được 1,5 - 2 điều dưỡng. Nếu thiếu điều dưỡng. chất lượng chăm sóc, phục vụ người bệnh sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách để giữ chân nhân lực y tế”, ông Thượng mong mỏi.

Phát biểu kết luận, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội hoan nghênh ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Thay mặt Đoàn giám sát, bà Nguyễn Thúy Anh ghi nhận hơn 30 ý kiến đề xuất của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để việc tổng hợp ý kiến của Ủy ban Xã hội của Quốc hội được hoàn thiện, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần có những kiến nghị cụ thể hơn, chi tiết hơn. Các nội dung kiến nghị kéo dài Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội cần được làm rõ hơn. Những ý kiến tổng hợp trong quá trình giám sát sẽ là căn cứ để Ủy ban Xã hội của Quốc hội có cơ sở tham gia vào công tác xây dựng đối với các dự án luật đang được bổ sung, sửa đổi.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm phát triển bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội./.

Đinh Hằng

Xem thêm